Hà Nội có nhiều làng nghề ẩm thực nổi tiếng như: Chè lam Thạch Xá, tương nếp Đường Lâm, bánh tẻ Phú Nhi, bánh cuốn Thanh Trì, giò chả Ước Lễ,… hoặc nhiều món ăn của các làng quê được nhiều người ưa thích như: Cháo se Hạ Mỗ, cháo gõ Quảng Phú Cầu,… Tuy nhiên, cần có những giải pháp thiết thực để khai thác giá trị ẩm thực làng nghề vào phát triển công nghiệp văn hoá.
Nếu “ẩm thực phố” của Hà Nội gắn liền với những nét tinh tế, tài hoa từ chế biến đến thưởng thức thì “ẩm thực quê” lại nổi bật với yếu tố dân dã mà cũng hết sức độc đáo.
Hà Nội có khu vực ngoại thành rộng lớn, dù một số địa bàn đã “lên quận” như Long Biên, Cầu Giấy, Hoàng Mai… nhưng những khu vực này vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp của ẩm thực làng quê.
Làng nghề ẩm thực truyền thống là nơi hội tụ những giá trị văn hóa, tinh hoa ẩm thực của dân tộc, đồng thời là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và quốc gia.
Thành phố có nhiều làng nghề ẩm thực nổi tiếng: Giò chả Ước Lễ (huyện Thanh Oai), miến dong Cộng Hoà (huyện Hoài Đức), bánh tẻ Phú Nhi (thị xã Sơn Tây), chè lam Thạch Xá (huyện Thạch Thất), rau muống Liên Chiểu (huyện Phúc Thọ)…
Gần đây, hai món ăn làng quê mới được giới thiệu với công chúng là cháo se Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), cháo gõ Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hoà), được nhiều người tò mò và rất hưởng ứng.
Điển hình như món cháo se Hạ Mỗ. Cũng dùng xương lợn và gạo ngon, nhưng cháo se có đặc điểm rất khác biệt. Đó là gạo được xay thành bột, để róc nước. Khi nấu cháo, người ta se bột thành sợi và thả vào nồi nướng xương đã ninh nhiều giờ. Cách làm này khiến cháo se có hương vị và hình thức rất đặc trưng. Những món ăn này đều có tiềm năng phát triển phổ biến, tạo thêm sức hấp dẫn cho khách du lịch.
Một món ẩm thực khác cũng xuất hiện chưa lâu nhưng để lại dấu ấn là trà sen Mê Linh. Người dân Mê Linh phát triển nghề trồng cây sen và ướp ra nhiều loại trà sen hấp dẫn.
Nhiều món ẩm thực đã trở nên nổi tiếng và trở thành món ăn cần thưởng thức, hay món quà với khách du lịch gần xa. Điển hình như đi đến vùng đất Sơn Tây, ai cũng muốn mua bánh tẻ Phú Nhi, đến Thạch Thất thì có chè lam… về làm quà.
Mặc dù vậy, đến nay, chỉ một số món ẩm thực được phổ biến đến công chúng, nhất là với khách du lịch. Nhiều món ăn độc đáo vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Sau khi thưởng thức món cháo gõ ở Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2024, chị Nguyễn Thị Minh (phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Ở Lễ hội có nhiều món ăn làng quê độc đáo, thí dụ như món cháo gõ tôi cùng gia đình nếm thử hôm nay. Cháo nấu từ gạo và cá rô, rất khác biệt so với những món cháo mà gia đình tôi hay dùng. Nhưng ngày thường muốn thưởng thức thì không biết ăn ở đâu”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc gìn giữ và phát triển làng nghề ẩm thực truyền thống không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa mà còn mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp văn hóa. Mỗi làng nghề, mỗi món ăn là một “đại sứ” văn hóa, có khả năng đưa hình ảnh Hà Nội và Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với các làng nghề ẩm thực truyền thống chính là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.
MasterChef Việt Nam Phạm Tuấn Hải khẳng định: “Để phát triển nhân lực, phải bắt đầu từ cái gốc – chính là những giá trị gia đình và truyền thống. Những bữa cơm hàng ngày, những câu chuyện về món ăn gia truyền chính là nền tảng quan trọng để hình thành tư duy ẩm thực. Việc đào tạo đầu bếp không chỉ gói gọn trong trường lớp mà cần sự kết nối chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại. Những món ăn truyền thống phải được giảng dạy và làm nền móng trước khi phát triển các kỹ năng sáng tạo. Đặt văn hóa vào món ăn không chỉ giúp món ăn trở nên tinh tế, mà còn giúp người làm nghề hiểu sâu hơn về trách nhiệm lưu giữ và phát huy bản sắc dân tộc”.
Bên cạnh đó, yếu tố truyền thông cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhiều món ăn độc đáo của làng quê chưa được biết đến vì khách hàng thiếu thông tin. Thông tin là cơ sở đầu tiên để phổ biến.
Tiếp sau đó, khi được nhiều người biết đến, xã hội có nhu cầu thì đó là điều kiện để các món “ẩm thực quê” phát triển, mở rộng thị trường.
Bởi vậy, để khai thác ẩm thực phát triển công nghiệp văn hoá theo yêu cầu Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội 2022 phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố cần một chiến lược bài bản hơn trong quảng bá thương hiệu, gìn giữ những nét đẹp nhất là tháo gỡ khó khăn cho nhóm ẩm thực làng nghề.
nguồn:https://nhandan.vn/ha-noi-khai-thac-gia-tri-am-thuc-lang-nghe-post848965.html