Đi qua phố Trương Mỹ (TP Hải Dương) nếu để ý một chút sẽ thấy 4 hàng chè san sát, cách bày trí cũng nhang nhác nhau. Nơi đây lưu giữ ký ức tuổi thơ của nhiều người.
Nhiều người không biết khi đi qua thường thấy lạ lẫm, người thì băn khoăn sao 4 hàng chè liền kề nhau mà khá giống nhau, cạnh tranh như vậy bán làm sao. Khách đến đây cứ tự nhiên chọn hàng chè mình muốn, khách ăn bên nào thì bên đó thu tiền chứ không ai chèo kéo.
Hỏi ra thì sẽ rõ, đây là các anh em ruột trong một gia đình, từ một quán chè cũ của người mẹ mà tách ra nhiều quán nên giống nhau, cùng nhau bán hàng chứ không cạnh tranh. Người mẹ ấy là bà Phạm Thị Thanh. Trước đây, bà Thanh có một gánh tào phớ nước đường nhỏ xíu bán ở chợ Phú Yên cũ trên phố Ngân Sơn.
Bà Thanh vốn quê ở Hà Tây. Tuổi 19, đôi mươi, bà đến Hải Dương lập nghiệp. Những ngày bôn ba ở chợ Phú Yên cũ, gánh chè bà Thanh đơn sơ chỉ vài món như tào phớ nước đường, thạch găng, chè đỗ đen. Gánh chè nhỏ đã nuôi sống cả gia đình 5 người con của bà. Sau này, bà Thanh mua được ngôi nhà trên phố Trương Mỹ thì chuyển về đây bán. Khi con cái lớn khôn cũng là lúc bà già yếu và truyền nghề lại cho các con. Căn nhà cũng chia đều ra để mỗi người có một không gian buôn bán riêng.
Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, 4 hàng chè ở đây đều bán. Mùa hè bán chè mát, mùa đông bán chè nóng. Vẫn những nguyên liệu, thành phần, món ăn không đổi nhưng rất hút khách. Cứ tầm trưa và chiều, khu phố Trương Mỹ lại đông đúc hẳn vì khách đến mua chè. Chè ở đây có giá từ 8.000-20.000 đồng/cốc, mức giá bình dân phù hợp với học sinh, sinh viên.
Những món chè của các con bà Thanh luôn mang đậm hương vị truyền thống dân dã. Ngọt bùi vị chè thập cẩm với đỗ xanh, đỗ đen, trân châu dừa, thạch sương sáo. Thạch găng xanh mát, tào phớ mịn màng ăn với nước đường ướp hoa nhài dịu ngọt. Chè ngô, chè bưởi dẻo dẻo thơm ngon cùng nước cốt dừa…
Đến đây, ta bắt gặp hình ảnh nồi nước đường vàng nhẹ màu cánh gián có thả mấy bông hoa nhài bồng bềnh. Ăn chè sẽ thấy có vị của dầu chuối, thứ từng được đựng trong những chai nhựa đục cái lỗ nhỏ ở nút chai mà trước đây người bán chè thường nhỏ vài giọt vào cốc chè cho thơm. Ngày nay, người ta thích ăn các loạt chè sáng tạo, chè thái, chè hoa quả nên ít khi còn được thưởng thức cái hương vị thân quen ấy nữa. Bởi vậy, đến những hàng chè phố Trương Mỹ, tuổi thơ như ùa về. Từng chiếc bàn, ghế, bát đựng chè đơn giản qua từng ấy năm vẫn vậy, món ăn vào miệng cũng có vị thân quen.
Có người ăn chè ở đây từ lúc còn là học sinh đến nay đã có con, cháu. Nhiều bạn trẻ sinh ra, lớn lên ở Hải Dương đôi khi cũng nhớ hương vị tuổi thơ lưu dấu trên những hàng chè này. Nhiều người cứ nghĩ, bà Thanh có lẽ được sinh ra ở TP Hải Dương nhưng ít ai biết người khởi nguồn những hàng chè tuổi thơ ấy lại là một người nơi khác đến thành phố này lập nghiệp. Bước sang tuổi 90, gần như cả cuộc đời gắn bó nên thành phố này giờ đây đã là quê hương của bà Thanh. Các con, cháu cũng đều được sinh ra, lớn lên và lập nghiệp ở mảnh đất này cũng là một niềm vui của bà.
30 năm qua, bà Thanh cùng các con vẫn ngày ngày dậy từ 4 giờ sáng để nấu chè và có lẽ nhiều năm về sau vẫn vậy. Những cốc chè giờ đây không chỉ thu hút người ta vì rẻ, vì ngon mà còn vì cả câu chuyện, cả tuổi thơ họ nâng niu trong đó!
nguồn: báo Hải Dương