Thịt trâu gác bếp là một trong những món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La và đã trở thành đặc sản được nhiều người yêu thích. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất nhiều hộ gia đình sản xuất và kinh doanh món thịt trâu gác bếp, nhưng sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận không nhiều, nổi bật trong đó phải kể đến sản phẩm “Thịt trâu gác bếp Thanh Phượng ”, được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023.
Cơ sở chế biến thịt trâu gác bếp Thanh Phượng có địa chỉ tại tổ 8, phường Quyết Thắng, Thành phố. Chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu, chị Vũ Thị Minh Phượng, chủ cơ sở cho hay: Bản thân tôi không phải là người dân tộc Thái, nhưng thịt khô gác bếp, nhất là thịt trâu gác bếp là món ăn gắn bó với tôi những năm tháng sinh sống ở Sơn La. Nhận thấy sản phẩm này có rất nhiều nơi làm, song gia vị chưa hợp khẩu vị với nhiều người, nhất là khách hàng ở các tỉnh khác, tôi đã dành thời gian nghiên cứu, học hỏi, cách chế biến làm sao khẩu vị vừa phải, phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc khách hàng. Dần dần, được nhiều bạn bè, người thân, khách hàng đón nhận.
Nguyên liệu chế biến sản phẩm thịt trâu gác bếp bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, hóa chất, lựa chọn bắp đùi thịt trâu tươi ngon, thái dọc theo thớ thịt rồi được tẩm ướp với gia vị, gồm: Tỏi tươi, ớt, gừng, mắc khén, lá chanh thêm một chút rượu ngâm (theo công thức đặc biệt) để làm cho món thịt gác bếp dậy mùi thơm sau khi chế biến. Thời gian tẩm ướp gia vị 2-3 giờ đồng hồ, để cho gia vị ngấm đều vào các miếng thịt.
Sau khi những miếng thịt đã ngấm gia vị, từng miếng thịt được đưa vào các que xiên sau đó được sấy trên gác bếp. Thời gian sấy khô thịt từ 2 ngày, đêm trở lên, đặc biệt, quá trình hun khói không được gián đoạn, phải liên tục thì thịt mới thơm ngon. Củi dùng để sấy thịt là loại củi nhãn để giữ được hương vị đặc trưng của thịt. Khi sấy, không được quá nhiều khói, nhiệt độ cũng không quá cao. Sau đó, thịt khô được hấp cách thủy trong chõ gỗ để làm chín thịt, sau khi chế biến được đóng gói thành từng túi và được hút chân không với trọng lượng khác nhau, tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Thịt trâu gác bếp được gia đình sản xuất quanh năm, nhất là vào dịp tết, nhu cầu của khách hàng tăng cao. Sản phẩm đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương, nay là Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, có bao bì đẹp mắt, thương hiệu riêng, hấp dẫn khi mang biếu, tặng. Sản phẩm được tỉnh lựa chọn trưng bày tại các gian hàng, hội chợ trong nước, của tỉnh và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh năm 2023, giúp cho sản phẩm thịt trâu gác bếp Thanh Phượng được nhiều người tiêu dùng biết đến, doanh số bán hàng tăng cao hơn năm trước.
Hiện, sản phẩm thịt trâu gác bếp Thanh Phượng đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước; trong đó, thị trường ngoại tỉnh chiếm tới 80% sản lượng, phản hồi khách hàng về sản phẩm rất tốt. Tháng 11/2023, chị Phượng thành lập Công ty TNHH một thành viên Thanh Phượng; năm qua, đã sản xuất khoảng hơn 2 tấn thịt trâu gác bếp, doanh thu hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2 lao động địa phương, thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.
Cầm trên tay sản phẩm thịt trâu khô gác bếp Thanh Phượng, chị Trịnh Vân An, du khách Hà Nội, nói: Đến với Sơn La, tôi được thưởng thức nhiều sản phẩm thịt trâu gác bếp, song khi được bạn bè giới thiệu, trải nghiệm sản phẩm, thịt trâu gác bếp Thanh Phượng rất hợp khẩu vị với tôi và gia đình, thơm ngon, dai dai, ngọt ngọt, hương vị không bị quá cay, nồng, bao bì đa dạng, bắt mắt, có tem nhãn, địa chỉ sản xuất rõ ràng. Lần này đến với Sơn La, tôi đã đặt mua 3 tạ thịt khô về làm quà tặng người thân, bạn bè và để bán cho người có nhu cầu.
Hiện nay, Công ty đang xây dựng kế hoạch, đăng ký sản phẩm thịt trâu gác bếp là sản phẩm OCOP của Thành phố; quảng bá, xây dựng chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử. Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất thêm các sản phẩm hun khói từ thịt bò, lợn, ba chỉ, lạp sườn, cá chép gù… thiết kế đa dạng mẫu mã bao bì, đáp ứng tâm lý, nhu cầu của khách hàng; đặt chất lượng uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu, hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
nguồn: báo Sơn La