Văn hoá ẩm thực

Thương nhớ vị chè hoa cau

Nhớ một buổi sáng ngồi uống cà phê tại một quán cà phê vườn, bỗng nhiên cảm thấy mùi hương hoa cau phảng phất trong không gian. Từng cơn gió nhẹ mang theo hương hoa thơm ngát đi khắp vườn. Hương cau thoang thoảng mà dịu nhẹ. Và cũng tự nhiên thấy nhớ đến hương vị chè hoa cau ngày xưa má nấu…

Chè hoa cau

Mang cái tên là chè hoa cau nhưng thành phần tạo nên món chè này không hề có hoa của cây cau. Nguyên liệu để làm nên món chè chỉ gồm có đậu xanh đã bóc vỏ và ngâm vào nước cho mềm, sau đó để ráo nước, trộn vào một ít muối rồi hấp chín, đậu nở ra giống như hoa cau nên đặt tên hoa cau là thế. Ngoài đường cát, chè còn cần bột năng (hay bột sắn dây) nếu muốn nấu chè đặc, không có bột thì thành chè hoa cau nước. Ngoài ra, khi nấu bỏ một ít lá dứa vào chè cho thơm. Ngày xưa, má nấu chè này theo các công đoạn: Cho nước vào đường đun sôi để tan đường; cho bột năng pha loãng vào nồi nước đường khuấy đến khi nước trong nồi có độ sánh, hơi đặc là đạt yêu cầu. Lúc này mới thả đậu xanh vào như những cánh hoa vàng nhỏ li ti giữa một màu trắng trong, trộn đều nhẹ tay rồi nhắc xuống. Chè nấu khéo là hạt đậu chín nhưng vẫn còn nguyên, không bị vỡ để nước không bị đục. 

Chè hoa cau bao giờ cũng có độ ngọt thanh vừa phải. Bát chè múc ra phải đạt được độ sánh mượt cùng với những hạt đậu xanh hấp chín. Đậu rắc khéo để không chìm, không vón cục mà chỉ lơ lửng như hoa cau vàng ươm.

Múc chè ra chén, chan nước cốt dừa lên trên. Chè có vị ngọt thanh, hạt đậu xanh chín mềm, bùi bùi thêm nước cốt dừa có vị béo, tạo nên một món chè ăn vào thấy thật ngon. Ngày hè oi nóng, thưởng thức một bát chè hoa cau thanh mát sẽ giúp ta cảm thấy dễ chịu vô cùng.

Ngô Văn Ban/Báo Khánh Hoà