“Tôi thử một miếng, bỗng nhiên thấy ngày hôm đó tươi sáng hơn hẳn” – Freedman kể lại trải nghiệm của mình.
Theo cây viết Georgia Freedman của tạp chí Afar (Mỹ), anh đã trở thành tín đồ của món phở vào một buổi sáng mùa xuân se lạnh ở Hà Nội.
Mặc dù đã đi khắp châu Á để thưởng thức các nền ẩm thực, tìm kiếm những món ăn và hương vị mới nhưng bữa sáng thường khiến anh phải lăn tăn nhiều nhất. Freedman cho biết, giống như nhiều du khách khác, khi thức dậy trên chiếc giường xa lạ và thấy mơ hồ về những cảnh vật xung quanh, anh lại thèm hương vị quen thuộc của bữa sáng ở quê nhà.
“Sáng hôm đó là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội. Do không tìm thấy bữa sáng ‘kiểu Tây’ nào, tôi liền đi theo đám đông tới một quán bún phở nhỏ xinh, trông khá đông đúc ở góc phố và gọi món bằng cách chỉ tay vào bát của người ngồi bên cạnh.
Chẳng mấy chốc, một bát phở với nước dùng thịt bò thơm phức, điểm thêm chút quế, hoa hồi, bên trên có lát ớt tươi thái mỏng và rau thơm được bưng ra. Tôi húp thử một miếng, bỗng nhiên thấy ngày hôm đó tươi sáng hơn hẳn” –Freedman kể lại trải nghiệm của mình.
Theo cây viết của Afar, miếng phở đầu tiên đã dạy anh một bí quyết được hàng triệu người châu Á áp dụng trong nhiều thế kỷ qua: Kết hợp nước dùng, bánh phở và một chút protein từ thịt là cách hoàn hảo để bắt đầu ngày mới. Ngoài ra, một chút ớt (tươi hoặc khô) được thêm vào sẽ giúp chúng ta tỉnh táo nhanh hơn cả những gì một tách cà phê có thể mang lại.
“Khi ăn xong bát phở, tôi càng tin vào điều đó” – Freedman cho hay.
Sau khi rời Việt Nam, Freedman tiếp tục chuyến du hành khắp châu Á nhưng kể từ đó, anh luôn khởi đầu ngày mới bằng một tô mì.
“Tôi nhẹ nhàng bắt đầu ngày mới bằng món Khao Piak Sen ở Lào (còn được gọi là phở Lào do có nhiều điểm giống với phở Việt Nam), Kuy teav ở Campuchia.
Tôi thậm chí còn đứng xếp hàng để thưởng thức bát mì ăn liền Campbell với giăm bông thái lát ở Hồng Kông. Nhưng phải tới khi đến Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tôi mới gặp được một món mì tuyệt vời khác” – Freedman viết.
Khi đang lang thang trên con hẻm ở cuối phố, anh bắt gặp một quán ăn ngoài trời chế biến món mì theo cách rất đặc biệt.
Theo Freedman, hầu hết các món mì, phở ăn sáng mà anh từng thấy đều được nấu trong những chiếc nồi lớn – mì được nhúng trong một chiếc nồi riêng, nước dùng nấu trong một chiếc nồi khác, ngoài ra còn có thêm một chiếc nồi nữa để chiến biến đồ ăn kèm, sau đó người ta mới cho chung vào một chiếc bát.
Thế nhưng ở Côn Minh, người đầu bếp dùng những chiếc thố bằng đất sét, chúng vừa đóng vai trò là nồi nấu, vừa là chiếc tô đựng để khách hàng thưởng thức.
“Tôi tò mò gọi món, một chiếc thố được mang ra vẫn còn bốc khói nghi ngút. Bên trong là mì gạo chan nước dùng với thịt lợn xay, điểm thêm một chút hẹ và dưa muối.
Hương vị chua chua, mặn mặn, có phần hơi đắng, không giống với bất cứ món ăn nào tôi từng thưởng thức cho đến thời điểm đó. Món dưa muối có vị như thể chúng có thể chữa khỏi bất cứ chứng bệnh nào cho bạn, từ say rượu cho tới nhớ nhà” – Freedman chia sẻ.
Trong vài tháng sau đó, mì trở thành món ăn sáng quen thuộc của Freedman. Anh thậm chí đã thuyết phục quán ăn ở Côn Minh chia sẻ với mình công thức chế biến của họ.
Theo Freedman, phở Việt Nam và món mì ở Côn Minh đều xứng đáng là những món ăn sáng ngon nhất ở châu Á.
Giờ đây, mỗi khi có dịp quay trở lại Côn Minh, anh đều bỏ qua bữa sáng ở khách sạn và quay trở lại quán ăn quen thuộc để thưởng thức bát mì tuyệt hảo.
“Các đầu bếp luôn vui vẻ khi nhìn thấy tôi, và món mì luôn là cách đánh thức bản thân tuyệt vời nhất vào mỗi sáng”– Freedman kết luận.
theo: TTVH (https://thethaovanhoa.vn/tap-chi-my-an-xong-mon-nay-o-viet-nam-thay-ngay-bung-sang-xung-dang-la-bua-sang-ngon-nhat-o-chau-a-20230411161004431.htm)