Vùng trung du Tiên Phước quê tôi có chợ huyện tọa lạc bên con sông Tiên hiền hòa. Bây giờ qua tuổi sáu mươi, trong ký ức tôi vẫn còn in đậm chợ quê ngày ấy…
Điều dễ nhận thấy là chợ quê nhóm họp nơi bãi đất trống cao ráo, bằng phẳng, thoáng rộng. Mới sáng sớm đã đông người tụ họp bán mua. Ngày xưa chưa có xe đạp nên bên ngoài cổng chợ là chỗ gửi quang gánh dành cho những người ở xa đi chợ. Bên trong là những dãy sạp làm bằng tre nứa, lợp tranh hoặc giấy dầu, giữa hai dãy sạp có chừa một khoảng trống để mọi người qua lại bán mua.
Phía sát mé sông Tiên là hàng cá. Cá biển. Cá sông. Cá đồng. Ốc bươu. Ốc hút. Ốc đá. Cá biển do những người đàn bà ở vùng biển Tam Kỳ gánh xuyên đêm đem lên.
Cá sông, cá đồng và các loại ốc do những người đàn ông làm nghề quăng chài vãi lưới ven sông suối ở Tiên Kỳ, Tiên Cảnh, Tiên Châu… đánh bắt mang ra chợ bán kiếm đồng ra đồng vào.
Kế bên hàng cá là hàng thịt, hàng mắm. Ngoài nước mắm màu hổ phách thơm nồng đựng trong chai lọ, hũ sành, thẩu nhựa, còn có các loại mắm nục, mắm cơm, mắm cá kình…
Len mình chen qua những người đứng bán mua, tôi nắm gấu áo mẹ đi dạo chợ quê ở huyện. Hàng bán các loại củ quả khô, gia vị. Hàng chiếu cói. Hàng rổ rá. Hàng bày bán các dụng cụ đánh bắt cá như lưới cước, lưỡi câu, nơm, lờ… Vui tai nhất là ở góc chợ, nơi có các giỏ gà vịt, ngan ngỗng, heo con.
Tôi rất khoái khi được mẹ dẫn đến các sạp hàng bán bánh kẹo, quần áo may sẵn của trẻ em. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in hàng bánh kẹo bán chủ yếu là kẹo ú, bánh tai heo, bánh thèo lèo, đường phổi, đường bát, kẹo mạch nha, kẹo bi ngũ sắc…
Mẹ mua cho tôi kẹo bi ngũ sắc và bánh thèo lèo, mỗi thứ một ít, ăn cho biết. Mẹ cũng mua một bọc kẹo ú to đem về cho các em tôi ở nhà. Còn những sạp hàng quần áo chủ yếu là quần áo trẻ em, vải vóc in hoa đủ màu sặc sỡ.
Hồi ấy, chung quanh chợ quê ở huyện là nhà cửa của dân chợ dựng sát bên nhau, lô nhô cao thấp. Họ buôn bán nông cụ sản xuất như dao rựa, cuốc xuổng, lưỡi cày…, hàng tạp hóa, cắt may quần áo và mở quán ăn bán mỳ Quảng, cháo lòng, bún giò heo…
Chiếm diện tích gần một phần ba chợ là nơi buôn bán hàng nông sản, chủ yếu là các mặt hàng trái cây. Mùa nào thức nấy. Cam. Quýt. Thị đề. Măng cụt. Cuối hạ là thanh trà. Cuối thu là lòn bon. Nhiều nhất và có bán quanh năm là chuối lùn, chuối nai, chuối mốc, chuối cau.
Hồi ấy, đường sá đi lại khó khăn, phương tiện vận chuyển không có, do vậy người dân vùng trung du quê tôi chỉ còn cách duy nhất là gánh chuối đem đến chợ quê ở huyện để bán. Gần, gà gáy canh năm, họ gánh mỗi đầu hai buồng chuối ra chợ. Xa, gà vừa gáy canh hai, họ đã thức dậy ăn uống qua loa rồi gánh chuối vượt đường xa.
Chuối lùn, chuối nai từ khắp các nơi dồn về bãi trống sát cổng chợ nhiều vô kể. Dân buôn chuối xem xét, chọn mua chuối rồi chất lên xe hàng chở xuống Tam Kỳ, ra Đà Nẵng tiêu thụ. Chợ quê ở huyện tấp nập kẻ bán người mua chỉ trong buổi sáng. Trưa, chợ vãn.
Bây giờ chợ quê ở huyện vẫn tọa lạc bên bờ sông Tiên, cạnh cầu chìm. Người dân Tiên Phước gọi chợ quê ở huyện với những tên gọi khác nhau: chợ Tiên Kỳ, chợ Tiên Phước, chợ Huyện…
Và có lẽ chợ Huyện là cái tên phổ biến hơn cả, được người dân các xã xa trung tâm huyện như Sơn – Cẩm – Hà, Lãnh – Ngọc – Hiệp… thường gọi. So với trước đây, bây giờ chợ huyện có quy mô rộng lớn hơn, bố trí khu vực buôn bán các mặt hàng hợp lý hơn. Có nhiều mặt hàng cứ ngỡ như đã đi vào dĩ vãng xa xôi của một thời như bánh tai heo, bánh thèo lèo, kẹo ú… vẫn còn bày bán.
Rảo chân quanh chợ huyện, bắt gặp những thức quà quê ấy, tôi như tìm thấy được tuổi thơ của mình hơn năm mươi năm trước khi lẽo đẽo theo mẹ đi dạo chợ…
Nguồn: Hữu Lâm Quê https://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/cho-que-o-huyen-152285.html