Những quán ăn bình dân trên địa bàn thành phố Phan Thiết mọc lên rất nhiều và mỗi nơi đều thu hút một lượng khách nhất định. Chính lượng khách quen thuộc này đã góp phần “khẳng định” thương hiệu của quán một cách tự nhiên và chân thật nhất.
Thậm chí, ngay cả khi quán không còn hoạt động nữa thì địa chỉ ẩm thực quen thuộc đó vẫn neo đậu trong lòng những người đã từng gắn bó với chủ quán và món ăn mà họ hằng yêu thích. Nhìn dưới góc độ văn hóa, đây cũng là một nét đẹp dung dị giữa đời thường của thành phố trung tâm tỉnh lỵ. Quán “Bún bò bà Ba” dưới đây là một trong những trường hợp rất đáng yêu như vậy.
Quán nằm trong hẻm trên đường Lê Hồng Phong (xưa là đường Nguyễn Hoàng) – Phan Thiết, bên hông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Bình Thuận. Gọi là “Quán” nhưng không có bảng hiệu ghi tên quán, chủ yếu được “truyền khẩu” từ người này sang người khác sau khi khách đã thưởng thức món bún bò, do bà Ba trực tiếp nấu. Quán tồn tại từ lâu nhưng không rõ cụ thể từ năm nào. Cũng chẳng ai quan tâm hỏi han về xuất xứ, nguồn gốc của quán bình dân này. Ngay cả chủ quán tên thật là gì, cũng chẳng mấy ai biết, ai cũng gọi một cách thân mật “Dì Ba”. Có lần, anh bạn thân thỏ thẻ với tôi: “Mình ăn bún bò ở đây từ lúc con gái lớn của bà Ba còn nhỏ xíu, đến nay, đã lập gia đình, rồi có con, mình vẫn ghé ăn thường xuyên”. Dĩ nhiên, gia đình tôi cũng là một trong những “nguồn” khách quen thuộc của quán bún bò bà Ba. Và, cũng tại con hẻm nhỏ này, tôi đã gặp không ít những người thân thiết, những đồng nghiệp có cùng niềm “đam mê” ẩm thực bình dân. Chắc chắn có người sẽ thắc mắc những quán bún bò bình dân trên địa bàn thành phố Phan Thiết đâu phải ít, hà cớ gì cứ phải vào đây? Vậy thì sức hấp dẫn của bún bò bà Ba nằm ở chỗ nào?
Theo cá nhân tôi, chủ yếu là do chất lượng tô bún bò khá ngon: thịt bò tươi, được nấu ninh thật mềm nhưng không nát; gia vị tẩm ướp chỉ đủ để thấm tháp, hòa quyện vào miếng thịt, vừa làm nên chất lượng của nước dùng, lại vừa đủ sức quyến rũ vị giác, rất khó cưỡng. Rau sống mướt rượt kèm giá đậu xanh, nhìn “bắt mắt” và quan trọng là an toàn; giá cả phải chăng, hợp túi tiền dân lao động và cán bộ, công chức nghèo. Cộng vào đó là thái độ phục vụ ân cần, dễ mến và tự nhiên như con cháu trong nhà. Cho nên dù nằm ở vị trí bất lợi (trong hẻm) nhưng quanh năm suốt tháng, quán bún bò bà Ba chưa bao giờ vắng khách. Nhất là thời điểm cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) ai chủ quan, đủng đỉnh đến chậm thì đành phải nhịn… hoặc miễn cưỡng quay đầu xe, đi tìm chỗ khác. Tại quán bình dân này, riêng tôi có rất nhiều kỷ niệm, trong đó, đáng nhớ nhất là không ít lần, được bạn bè, người thân “giành trả tiền” có khi công khai, có khi bí mật một cách thiệt là dễ thương (nói theo kiểu trìu mến của người miền Nam). Đến nỗi, có lần dì Ba (vợ chồng tôi quen gọi bà là dì Ba) không nhịn được nên buột miệng hỏi: “… chú đi làm, chắc quen biết nhiều lắm, nên tôi thấy nhiều người tới đây ăn, ai cũng giành trả tiền cho chú…”. Ôi! Chỉ một câu nói mộc mạc, chân tình thoáng qua mà sao luôn khiến tâm trí tôi bồi hồi, xúc động mỗi khi ngồi đối diện tô bún bò bốc khói của dì Ba.
Kể từ khi bà Ba nghỉ bán bún bò vì tuổi đã cao, sức khỏe không cho phép thức khuya dậy sớm; mỗi lần “ghiền” ăn bún bò, cả nhà tôi lại nhớ đến dì Ba với ít nhiều tiếc nuối. Và tôi đoán (chắc không đến nỗi chủ quan) rất nhiều người cũng nhớ bún bò dì Ba không kém chúng tôi. Từ dạo nghỉ hưu, tôi không thường xuyên đi qua phía nam sông Cà Ty nhưng bất cứ khi nào có công việc phải ghé ngã tư bưu điện Lê Hồng Phong, tôi không quên ngó vào con hẻm – nơi ngày xưa dì Ba ngồi bán bún bò bình dân mỗi sáng. Và ngay lập tức, gương mặt hiền từ, với nụ cười nhân hậu, xiết bao trìu mến của dì Ba lại hiện về trong tâm trí tôi sống động như mới vừa gặp gỡ hôm qua.
Nguồn:https://baobinhthuan.com.vn/nho-bun-bo-ba-ba-118567.html