Bánh dân gian gắn với văn hóa ẩm thực Nam bộ

Nam bộ là vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… Trong quá trình giao lưu và phổ biến, phát triển văn hóa ẩm thực, mỗi tộc người đều cố gìn giữ bản sắc riêng, góp phần vào sự phong phú và đa dạng của ẩm thực Nam bộ. Trong đó, bánh dân gian đã trở thành nét đặc sắc riêng của văn hóa ẩm thực Nam bộ.

Các món bánh dân gian tại Tuần lễ Văn hóa – du lịch – ẩm thực tỉnh Đồng Nai năm 2022. Ảnh: B.NGUYÊN

Bánh dân gian có mặt phổ biến từ miền quê đến các đô thị, thành phố lớn nhưng tập trung nhất vẫn là ở các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ với đông đảo đội ngũ người làm bánh được phong danh hiệu nghệ nhân. Ngày nay, những món bánh dân dã trở thành đặc sản gắn với các lễ, hội phục vụ du khách, nhất là khách đô thị.

Hấp dẫn lễ hội bánh dân gian Nam bộ

Cần Thơ là thành phố nổi tiếng về du lịch không chỉ nhờ cảnh quan đẹp mà còn hội tụ đầy đủ nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người miền Tây Nam bộ. Nét đặc sắc của ẩm thực Cần Thơ là ngay trong lòng đô thị vẫn không thiếu những món ẩm thực đậm đà chất quê, đặc biệt là các món bánh dân gian như: bánh xèo, bánh tằm bì, bánh cống…

Bánh bột báng

Chính vì vậy, lễ hội Bánh dân gian Nam bộ là một trong những sự kiện văn hóa và lễ hội cấp quốc gia được tổ chức thường niên tại TP.Cần Thơ. Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ thường diễn ra vào tháng 3 âm lịch nhằm chào mừng nhiều ngày lễ lớn của đất nước như: giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc tế Lao động…

Nhiều loại bánh dân gian còn dùng làm lễ vật cúng trong gia đình, các dịp lễ hội cộng đồng như: bánh tét trong Tết cổ truyền người Nam bộ; bánh lá lúa, cốm dẹp trong lễ Cúng Trăng; bánh củ cải cúng đưa ông Táo về trời của người Hoa…

Ý nghĩa của lễ hội chính là giới thiệu và quảng bá những món bánh dân gian đặc trưng vùng đất Nam bộ đến thực khách, du khách khắp mọi miền đất nước. Đây là dịp để mọi người cùng tìm hiểu và trải nghiệm nền văn hóa ẩm thực đặc sắc của Nam bộ.

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ còn khuyến khích các nghệ nhân làm bánh dân gian có thể ngày càng phát huy sự sáng tạo, giữ vững nghề làm bánh truyền thống. Từ đó, thúc đẩy sản xuất và chế biến nhiều món bánh ngon mang nét đặc trưng của vùng đất phương Nam.

Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan (TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) từng nhiều lần đạt huy chương vàng, huy chương bạc khi tham gia các mùa lễ hội Bánh dân gian Nam bộ cũng như các liên hoan ẩm thực cấp quốc gia chia sẻ, kho tàng bánh dân gian rất đa dạng, phong phú. Gian hàng bánh quê của bà thường có cả trăm món được sưu tầm của các dân tộc khác nhau ở Nam bộ phục vụ thực khách.

Bà Lan chia sẻ: “Tôi từng học và mở tiệm làm các món bánh đến từ các nước phương Tây, từ đó mới càng hiểu và trân trọng những món bánh dân gian. Vì để làm ra 1 chiếc bánh đó chi phí hàng trăm ngàn trong khi chiếc bánh dân gian chỉ vài ngàn/cái nhưng vẫn rất ngon, độc đáo, đây thực sự là món quà quê quý giá”.

Đặc sản du lịch

Nét đặc trưng của các loại bánh dân gian là tận dụng các nguyên liệu sẵn có, đặc trưng của vùng đất nơi họ sinh sống. Nhiều loại bánh dân gian như: bánh chuối, bánh ít, bánh da heo, bánh khọt, bánh xèo, bánh khoai mì, bánh gan… đều được làm từ nguyên liệu là sản phẩm của nhà nông ở địa phương.

Gian hàng bánh dân gian của nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan (tỉnh Sóc Trăng) tham gia Tuần lễ Văn hóa – du lịch – ẩm thực tỉnh Đồng Nai năm 2022

Theo nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan, nhiều loại bánh dân gian là bánh của con nhà nghèo. Ví dụ món bánh bầu được chế biến từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà như: bột gạo, trái bầu và nước cốt dừa; nhà nào có điều kiện hơn thì làm bánh mặn kết hợp thêm với tôm khô và một số gia vị khác. Món bánh này vốn của người Hoa ở vùng biển Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gần như đã thất truyền được bà Lan bỏ công đi sưu tầm lại. 

“Ngày nay, nhiều loại bánh dân gian rất độc đáo có nguy cơ thất truyền nên tôi dồn hết tâm huyết sưu tầm, làm các món bánh quê. Tôi tham gia các hội chợ ẩm thực khắp các tỉnh, thành trong cả nước với mong muốn sưu tầm thêm, đồng thời quảng bá, làm sống lại dòng bánh dân gian” – bà Lan nói.

Vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) lại nổi tiếng với nhiều món đặc sản làm từ cây thốt nốt, cây trồng đặc trưng chỉ vùng này mới có như: đường, chè, rượu… Trong đó, bánh bò thốt nốt là đặc sản được thực khách gần xa biết tiếng.

Theo những nghệ nhân làm bánh dân gian, ngày nay, những món bánh truyền thống được sáng tạo về màu sắc, kiểu dáng để thêm bắt mắt và tăng hương vị. Nguyên liệu các loại bánh là sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống pha lẫn hiện đại để đáp ứng nhu cầu thưởng thức món ngon của thực khách.

Theo những nghệ nhân làm bánh dân gian, ngày nay, những món bánh truyền thống được sáng tạo về màu sắc, kiểu dáng để thêm bắt mắt và tăng hương vị. Nguyên liệu các loại bánh là sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống pha lẫn hiện đại để đáp ứng nhu cầu thưởng thức món ngon của thực khách.

Nghệ nhân Kim Đẹp, người có hơn 20 năm làm bánh bò thốt nốt và nấu các món đặc sản của tỉnh An Giang cho biết, món bánh bò thốt nốt nhìn mộc mạc nhưng để làm được món bánh ngon, đúng chất phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ từ khâu lựa bột, trộn bột, mài trái thốt nốt, ủ bột lên men cho đến hấp bánh. Đặc biệt, bánh phải sử dụng loại đường thốt nốt nguyên chất thì mới ra vị ngon và mùi hương đặc trưng. Chính vì vậy, gia đình bà vẫn giữ nghề trồng và nấu đường thốt nốt theo cách thủ công để kiểm soát tốt khâu nguyên liệu trong chế biến món bánh đặc sản của tỉnh nhà.

Bà Đẹp so sánh, trước đây, bánh bò thốt nốt chỉ làm để trong nhà ăn hoặc bán quanh chợ huyện các dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Bây giờ, đây là món đặc sản mà nhiều người đến An Giang đều tìm mua thưởng thức.

Bà Đẹp cho hay: “Hiện tôi có mở 1 cửa hàng bán bánh bò thốt nốt và các món đặc sản An Giang tại TP.HCM. Ngoài ra, tôi thường xuyên tham gia các lễ hội ẩm thực khắp cả nước và món bánh quê này luôn được thực khách đánh giá cao. Món bánh bò thốt nốt mộc mạc này đã giúp tôi nhiều lần đạt huy chương tại các lễ hội bánh dân gian Nam bộ.”

Bánh dân gian cũng là ẩm thực độc đáo được nhiều khu du lịch sinh thái khai thác để phục vụ du khách.

Bà Võ Thị Mỹ Hòa, chủ Cơ sở Du lịch sinh thái cá lóc bay Tín Hòa tại P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ cho hay, một trong những điểm thu hút du khách khi đến vui chơi tại miệt vườn này là khách được trải nghiệm học cách xay bột, làm các loại bánh dân gian cũng như các món quê đặc trưng của miền Tây như: bánh lá mít, bánh khọt, bánh tét… Khách tự ra vườn hái các nguyên liệu sẵn có trong vườn rồi thử hấp bánh bằng lò nấu củi. Sau đó, thưởng thức ngay món bánh do chính tay mình làm mới ra lò còn nóng hổi.

nguồn: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202302/banh-dan-gian-gan-voi-van-hoa-am-thuc-nam-bo-3155677/

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

5 loại Phô mai “kỳ lạ” nhất

Phô mai là thực phẩm quen thuộc trong chế biến món ăn và làm bánh. Không chỉ níu kéo vị giác ở cái béo, thơm

121 món ẩm thực tiêu biểu năm 2022 của “Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực Việt Nam”

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã tổ chức Lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực

Hà Nội: Thiên đường ẩm thực dưới lòng đất, cầm 100.000 đồng “ăn thả ga”

Khu vực bán hàng ăn tại chợ Mơ (Hà Nội) rất đa dạng, giá thành rẻ. Do đó, đây là địa điểm ăn trưa yêu

Sưởi ấm mùa Đông bằng những thức đặc sản cay nồng xứ Nghệ

Trong cái lạnh của mùa Đông, những món ăn có vị cay được nhiều người ưa chuộng hơn cả. Dù ở trên rừng, dưới biển

Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban với văn hóa ẩm thực 

Với gần 20 đầu sách viết riêng, cùng rất nhiều đầu sách viết chung với các tác giả khác đã khẳng định những đóng góp

Dim Tu Tac Estella Place

Với view đắt giá “thu trọn” một góc nhỏ TP.HCM của Dim Tu Tac Estella Place, thực khách có thể thư giãn, đắm mình trong