Hương vị ngày Tết miền Tây Bắc

 Nhắc đến Tây Bắc, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến hình ảnh những thửa ruộng bậc thang xanh mướt trùng điệp hay khung cảnh núi rừng hùng vĩ. Ẩm thực ngày Tết miền Tây Bắc cũng vô cùng độc đáo. Những món ăn của đồng bào Tây Bắc thường sử dụng nguồn nguyên liệu đơn sơ, do người dân tự nuôi trồng, sản xuất. Nhờ cách chế biến riêng biệt đã mang lại hương vị hấp dẫn cho thực khách. Cũng nhờ vậy mà rất nhiều món ngon Tây Bắc đã nổi tiếng trên khắp miền đất nước.

Xôi nếp nương

Sở hữu cánh đồng Mường Thanh nổi tiếng, những hạt gạo nếp căng tròn, khi đồ lên có độ sáng bóng, vị ngọt, dẻo, thơm đặc trưng. Với các nguyên liệu tạo màu tự nhiên lấy từ các loại lá, củ, quả… tạo ra các màu đỏ, tím, vàng bắt mắt. Xôi nếp ở Điện Biên khác biệt vì còn được đồ hai lần và đồ bằng chõ gỗ của đồng bào dân tộc rất công phu. Đây cũng là một nét hấp dẫn với những du khách ưa thích khám phá ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cơm lam Bắc Mê

Cứ mỗi độ xuân về, ngoài các món ẩm thực đặc trưng ngày Tết như thịt lợn gác bếp, lạp xưởng, bánh chưng, xôi ngũ sắc thì mâm cơm ngày Tết của người Tày vùng Bắc Mê (Hà Giang) không thể thiếu món cơm lam. Cơm lam Bắc Mê được làm từ gạo nếp nương ngon nhất và nấu trong ống nứa, ống tre được lót lá chuối, lá rong rồi đem đi nướng. Cơm lam Bắc Mê không chỉ dẻo mà còn rất thơm mùi ống nứa nướng.

Bánh chưng đen

Với người dân vùng cao bản Tùy (xã Ngọc Đường, Hà Giang) thì bánh chưng đen là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Để làm ra được những chiếc bánh chưng đen, người dân tộc Tày khá cầu kỳ và kỹ lưỡng trong từng công đoạn làm bánh. Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng, từ khâu chọn lá, lá dong phải chọn lá bánh tẻ, rửa sạch, lau khô, cắt bớt gân cho lá mềm, khi gói lên bánh mới đẹp. Gạo nếp dùng để gói bánh là gạo Bắc Mê, loại gạo ngon nổi tiếng ở Hà Giang, thịt làm nhân bánh là thịt lợn đen còn tươi ngon, thái mỏng rồi đem ướp gia vị… Tất cả đã tạo nên hương vị đặc trưng đem lại thỏa mãn cho những vị khách khó tính nhất.

Đến với miền núi Tây Bắc mỗi dịp Tết đến xuân về, mâm cỗ của các gia đình người Thái đều có món Pa pỉnh tộp
Đến với miền núi Tây Bắc mỗi dịp Tết đến xuân về, mâm cỗ của các gia đình người Thái đều có món Pa pỉnh tộp

Cá nướng Pa pỉnh tộp

Pa pỉnh tộp (cá gập nướng) là món ăn khá cầu kỳ, thường được dùng trong các bữa ăn khi gia đình có khách quý. Người ta chọn những con cá chép tươi, còn nguyên con để nướng. Sau khi xát qua chút muối cùng ớt bột khô để khử mùi tanh cho cá, người làm tẩm ướp các loại gia vị như mắc khén (một loại hạt tiêu rừng), gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng, ớt bột… băm nhỏ, trộn lẫn với nhau và xát đều lên mình, đồng thời nhồi vào trong bụng cá. Qua đôi bàn tay khéo léo của người chế biến đã tạo nên món cá nướng mang đậm chất núi rừng, vô cùng đặc sắc.

Lạp xưởng hun khói

Tây Bắc nổi tiếng với nhiều đặc sản như thịt trâu gác bếp, thắng cố Bắc Hà, lợn cắp nách, tương ớt Mường Khương, rượu táo mèo…, nhưng nổi tiếng nhất là lạp xưởng hun khói. Lạp xưởng Tây Bắc là món ngon được người dân tộc vùng cao làm để ăn quanh năm. Cái đặc biệt của món ăn chính là dựa vào các loại gia vị đặc trưng của vùng núi cao như hạt mắc khén, gừng, hạt dổi và công sức mà người làm bỏ ra để canh lửa, hun khói cho món ăn đẹp về hình thức lại đủ ngon, vừa tầm. Khi ăn, lạp xưởng có vị béo ngậy, thơm mùi mắc khén, lá rừng và thoang thoảng hương rượu làm say lòng người thưởng thức thứ đặc sản Tây Bắc này.

Măng khô

Nhắc đến đặc sản rừng Tây Bắc đừng quên thứ mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này đó là măng. Người miền xuôi dùng măng khô như một món ăn cổ truyền trong những dịp lễ, Tết. Người Tây Bắc lại xem măng khô là món ăn thân thuộc mỗi ngày. Măng khô được làm từ măng tươi lấy từ gốc tre non. Người ta cắt lấy phần non nhất của búp măng mang về và phơi khô. Măng Tây Bắc mọc trên núi đá vì thế ngọt hơn măng thường rất nhiều. Măng Tây Bắc chuẩn có màu nâu vàng bắt mắt, mùi vị thanh mát, ngọt từ sâu bên trong. Măng có đốt nhiều, thớ dày và nhiều đường vân. Măng khô Tây Bắc chia làm 3 loại chính gồm măng lưỡi lợn, măng búp và măng rối tùy từng món ăn mà ta sẽ kết hợp với loại măng khác nhau.

Rượu cần

Cũng như nhiều dân tộc khác, trong các dịp lễ, Tết, mừng nhà mới, cưới, hỏi, đón khách…, rượu cần là đồ uống không thể thiếu trong phong tục sinh hoạt văn hóa của người Thái. Rượu cần là loại rượu ủ trong chum, không chưng cất, khi uống phải dùng cần làm bằng thân cây trúc hoặc dây mây đục thông lỗ để hút rượu. Người Thái làm rượu cần với các loại nguyên liệu gồm men, chất tinh bột gạo, ngô, sắn… và vỏ trấu. Vì vậy, rượu cần còn có tên gọi là rượu trấu.

Thịt lợn muối chua - món ăn không thể thiếu trong dịp tết của đồng bào dân tộc Dao
Thịt lợn muối chua – món ăn không thể thiếu trong dịp tết của đồng bào dân tộc Dao

Thịt lợn muối chua

Đối với người Dao, dịp Tết không thể thiếu món thịt muối chua. Thiếu món ăn này là như thiếu đi không khí Tết. Để làm món thịt lợn muối chua ngon, chuẩn hương vị truyền thống, thì cách chọn nguyên liệu, chế biến đòi hỏi phải cẩn trọng, kỹ càng. Thịt được chọn để làm món thịt lợn muối chua phải là thịt của giống lợn bản khoảng một năm tuổi được chăn thả tự nhiên. Cái hương vị đậm đà của món thịt ướp muối lâu năm, có vị mặn đậm của muối, vị ngọt của thịt, vị chua của sự lên men lâu ngày cùng hương thơm đậm của lá lốt xanh. Tất cả hòa quyện thành một hương vị rất khó quên, ăn một lần thôi cũng khiến người ta nhớ mãi.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là “món ăn huyền thoại” trong nền ẩm thực Tây Bắc, đã chinh phục thực khách bởi vị cay tê đặc trưng từ gia vị, hương thơm nồng nàn của khói bếp củi và đặc biệt là sự ngòn ngọt đầy lôi cuốn từ thịt. Phần bắp và thịt thăn trâu, sau khi tẩm ướp gia vị, sẽ được treo trên bếp lửa để hun khói đến khi chuyển sang màu nâu đỏ sậm. Việc bảo quản thịt trâu cũng đòi hỏi sự cầu kỳ và khéo léo. Trước đây, trâu gác bếp chỉ phổ biến trong cộng đồng người dân tộc Thái Đen, nhưng với hương vị độc đáo và khó quên, món ăn này đã truyền bá ra khắp các dân tộc thiểu số trong vùng Tây Bắc và hiện nay đã trở thành đặc sản được ưa chuộng ở toàn quốc.

nguồn:https://www.anninhthudo.vn/huong-vi-ngay-tet-mien-tay-bac-post566215.antd

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

121 món ẩm thực tiêu biểu năm 2022 của “Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực Việt Nam”

Ngày 29/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã tổ chức Lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực

Canh chua và văn hóa chống nóng

Y học Đông phương cho rằng, nguồn gốc bệnh tật là do mất cân bằng âm – dương trong cơ thể. Miền Tây Nam Bộ

Khô cá sặc bổi – Đặc sản rừng U Minh Cà Mau

Cà Mau là vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng nhiều món ngon, đặc biệt không thể không nhắc đến khô cá sặc

Báo quốc tế chia sẻ một số lưu ý khi khám phá ẩm thực Việt Nam

Trang The Daily Meal chia sẻ một số mẹo giúp du khách khám phá một nhà hàng Việt Nam thực thụ. Ở Việt Nam, thức

Đời mắm

Đời mắm cũng như đời người, thật lắm nỗi truân chuyên. Dù trải bao thăng trầm, thì mắm vẫn vẹn nguyên giá trị, kệ cuộc

Ngày hội vinh danh mì Quảng Phú Chiêm

Ngày hội mì Quảng lần thứ nhất năm 2022 “Tinh hoa mì Quảng – Phú Chiêm” sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 7-8 tại