Ở miền Tây, mà đặc biệt là ở Sóc Trăng quê tôi, cứ hễ bạn về huyện Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu hay huyện Mỹ Xuyên sẽ không khó để thấy cảnh những cây bần mọc thành hàng, đan xen với nhiều loại cây sống ngập nước. Bần là loài cây có sức sống mãnh liệt. Rễ bần mọc chằng chịt, bám chắc, sâu vào đất. Nước ngập cỡ nào thì những tán lá của cây bần vẫn xanh tươi.
Nhớ lúc tôi còn nhỏ, về xóm tôi mà đi dọc theo mé sông sẽ thấy cây bần có rất nhiều. Chúng tự sinh sôi, không ai trồng cả, rễ bần cắm sâu vào đất làm nhiệm vụ chống sạt lở rất tốt. Trên những tán bần ấy, thì ong cũng rất nhiều. Ong đóng trên những tán cây bần xòe ra sông thì được đặt tên là ong bần… nghe cũng hay hay… Ngày đó mà nghỉ học là cứ tranh thủ tìm một cây trúc dài dài thọc lấy những ổ ong bần đem đi câu cá rô trên đồng lúa đang trổ đòng đòng thì sướng phải biết.
Thời đó, quà ăn vặt thiếu thốn, trái bần ăn với muối hột vừa có vị chua, lại vừa chát, vừa mặn, vậy mà tụi trẻ con chúng tôi thấy ngon đến lạ. Những cái miệng dính mủ bần, những cái nhăn mặt vì chua ở cái thuở hồn nhiên để lại trong tôi cả một trời kỷ niệm.
Vào những buổi trưa hè oi ả, tụi con nít chúng tôi hay trèo lên những tán cây bần xòe ra mé sông để lấy trứng chim, rồi hò reo, cùng nhau cả đám nhảy ùm xuống sông, lặn một hơi dài, rồi ngoi đầu lên mé sông bên kia. Cái cảm giác được đắm mình trong dòng nước mênh mông, dưới những tán lá bần mát rượi, che mát cả một khúc sông quê, mới thật thú vị làm sao.
Mấy đứa trong xóm tôi cũng hay ngồi hái những bông bần chơi trò cô dâu, chú rể hay lại nhóm chợ làm om sòm cả một khúc sông. Chơi cho đã đến tận xế chiều về, mấy anh em tranh thủ hái mấy trái bần chín đem về cho má nấu canh chua hay xắt ra chấm với mớ mắm sống, hay cá rô đồng kho, thì bữa đó, nhà tôi, nồi cơm như cạn nhanh hơn. Tuổi thơ của tôi cứ quanh quẩn bên những cây bần trước ngõ, với lũ trẻ nghèo nhưng luôn biết san sẻ cho nhau từng củ khoai, trái chuối, với những chiều ngồi nghe ông ngoại kể chuyện thời chiến tranh bom đạn.
Có những mùa hoa bần nở, nhuỵ rụng trắng mặt sông, tụi con gái hay hái mấy bông bần chưa nở, lấy nhụy cho vào nón lá, rồi ba bốn đứa hò reo, hất tung cái nón lá lên không trung, những nhụy bần trắng bay lả tả, rơi vương vãi lên mái tóc xanh của tụi nó, nhìn mà đẹp làm sao…
Ở Cù Lao Dung bây giờ, người ta đã chế biến ra được nước cốt bần đóng hộp, rồi còn có cả gỏi bông bần, lẩu cá tra bần nữa… Bần ngày nay không còn nhà quê nữa. Bần đã chính thức “bước sang trang mới”, huy hoàng.
Với tôi, dẫu có đi đâu, làm gì, thì hình ảnh trái bần chín trôi theo dòng nước tìm về bãi bồi xóm quê để miệt mài bám đất, giữ làng vẫn tràn chảy trong tâm thức. Hình ảnh của cây bần cũng thường trực nhắc tôi đừng quên bản xứ, nơi có nhà mình, có tiếng võng nôi đưa, má ru tôi khôn lớn. Tôi muốn quay về những năm tháng tuổi thơ, tay hái trái bần chín cùng bạn bè tụm năm tụm ba chơi trò trốn tìm đuổi bắt, tắm sông, cùng chia nhau trái bần như nhấp vị ngọt của miền quê, xứ sở.
Nguồn: LƯU HỒNG TÀI/https://www.baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/nho-lam-huong-ban!-69629.html
Có thể bạn không muốn bỏ lỡ
Một thoáng An Giang cùng nồi lẩu gà lá chúc dậy vị
Lẩu gà là món lẩu có rất nhiều phiên bản chế biến, dựa trên nguồn nguyên liệu thực phẩm mỗi nơi, mỗi vùng. Theo đó,
Những món ăn Tết cầu kỳ của người Huế xưa
Là cháu một vị quan triều Nguyễn, nhà văn Xuân Phượng kể phong tục Tết Huế trong “Sách Tết Quý Mão 2023”. Có những năm,
Lẩu cua đồng đậm vị quê hương
Cua đồng vốn là loại thực phẩm bổ dưỡng, thơm ngon và quen thuộc với nhiều người dân Hải Dương. Cua đồng được chế biến
Chim bắc cô tiềm hồng sâm – Món ngon bổ dưỡng
VHAT View all posts Bài viết mới Kem hương vị Đông y bất ngờ gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc Đi tìm những
Về xứ tung lò mò
Tung lò mò là đặc sản của người Chăm ở An Giang và lọt top 50 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam
Độc đáo món ăn từ rêu đá ở vùng cao Nghệ An
Xuống suối hái rêu đá để chế biến các món ăn là tập quán lâu đời của cộng đồng người Thái ở vùng cao Nghệ