Trà ướp gạo sen Nam Đàn có gì mà quý mà đắt đỏ? Thì ra là một quy trình sản xuất khá cầu kỳ và để làm ra một kg trà sen mất tới 800-1500 bông sen mới nở.
Trà ướp gạo sen Nam Đàn là một sản phẩm của làng quê Nam Đàn nơi quanh năm thơm ngát hương sen. Ban đầu nghe nói tới trà ướp sen cứ nghĩ đơn thuần đó là trà được ướp trong bông sen để ngoài hồ. Thế nhưng không phải. Tò mò về gạo sen là gì, trà ướp gạo sen là gì, chúng tôi được anh Phạm Kim Tiến – Giám đốc HTX Nông nghiệp Sen quê Bác ở xã Kim Liên, Nam Đàn cho biết: Gạo sen chính là phần chứa túi tinh dầu màu trắng được đính trên nhụy sen, nhỏ và trắng như hạt gạo nhưng chứa hương thơm nồng nàn.
Thời gian lựa chọn những bông hoa sen dùng để tách gạo thường là trung tuần tháng 6, lúc mà thời tiết nắng đều, hương đượm nhất và không bị mưa nắng thất thường làm hỏng hương.
Nói rồi anh lấy tay gỡ nhẹ những cánh sen bên trong là một màu trắng ngọc ngà bao phủ xung quanh gương sen. Gỡ nhẹ từng hạt gạo sen tươi non đang ôm chặt, từng hạt từng hạt rơi xuống lá sen trải sẵn, anh giới thiệu tiếp các bộ phận khác của bông sen nào gương sen, nhuỵ hoa, đài, bao phấn…
Anh Tiến cho biết: Để có gạo sen ngon phải chọn những bông hoa sen như Bạch Diệp, Bạch Liên thanh nữ hoa – là những giống sen quý ở Việt Nam có hương thơm nồng nàn và kết cấu cánh độc đáo.
Khoảng 4h 30 sáng khi mặt trời chưa ló rạng, người làm trà sen đã có mặt tại đầm sen để lựa chọn những bông hoa còn chúm chím (còn gọi là sen hàm tiếu) để đem về tách gạo kịp thời.
Những bông sen sau khi được đưa về lại được phân loại một lần nữa sau đó tách gạo sen vào một lá sen to đựng riêng. Trong quá trình tách gạo phải lựa chọn nơi thoáng gió, tránh gió lùa và các mùi hương lạ tiếp xúc trực tiếp như mùi thuốc lá…
Quy trình tách gạo sen để làm ra trà ướp gạo sen được người dân trồng sen ví như là “báu vật” của làng sen bởi sự cầu kỳ trong các công đoạn. Sau khi tách gạo, phải giữ cho gạo nguyên lành, không bị nát, hỏng.
Để giữ nguyên được hương vị cần phải chuẩn bị sẵn trà để ướp. Ướp và sấy trà là cả một quy trình nghệ thuật. Người nghệ nhân dùng cái đấu gỗ dưới trải một lớp giấy bản thấm ẩm tốt sau đó rắc một lớp trà, một lớp gạo sen mỏng cho đến khi hết trà và hết gạo sen. Thùng gỗ chứa gạo sen và trà được ủ kín tuỳ theo thời tiết từng hôm, cứ 4-6 tiếng đồng hồ một lần thì thông hơi để gạo sen không bị ủng. Mỗi kg trà sen phải mất từ 800-1.500 bông hoa sen mới lấy đủ gạo để ướp dệt nên hương đặc trưng trong từng hộp trà sen.
Lại nói về trà, trà để ướp gạo sen là loại trà hảo hạng, trà Shan tuyết hoặc trà Bạch hạc. Doanh nghiệp lấy trà từ cây trà cổ thụ núi cao, thường là trà Bạch hạc, một loại trà cổ Tân Cương, Thái Nguyên. Trà này có đặc điểm cây rất to, tán rộng, ngày xưa cây cao tới vai hoặc ngang đầu người. Đặc điểm dễ nhận thấy ở trà bạch hạc là sợi trà xanh – đen, gọn và xoăn, nước trà xanh thơm, ánh vàng, tiền vị cũng như hậu vị đều dễ chịu với hương cốm ngọt ngào – đằm thắm. Hoặc trà cổ thụ trên núi đá cao ở độ cao tầm 1.200m so với nước biển như Shan tuyết để có phẩm trà tốt nhất và hoàn toàn thiên nhiên.
Quy trình sản xuất trà ướp gạo sen bí truyền ở chỗ là làm sao ướp, ủ và sấy vừa độ để hương sen quyện đượm vào cánh trà mà nước trà không quá đỏ, không quá cháy. Trà ủ rất công phu và đòi hỏi chính xác về thời gian và nhiệt độ, bởi ủ lâu quá trà sẽ bị lên men nhiều gây ra hiện tượng chua, còn nếu thời gian chưa đủ thì hương thơm của sen chưa đủ thấm vào trà. Sau khi trải qua quá trình ủ một ngày một đêm những cánh trà đã đẫm hương, lúc này người nghệ nhân cho trà vào sấy lạnh để giữ nguyên vị.
Trà sau khi sấy khô sẽ được sàng gạo cũ và ướp lại lần thứ hai, cứ như vậy mỗi kg trà sẽ cần tới rất nhiều bông hoa sen để ướp từ hai đến ba lần tuỳ vào nhu cầu của khách. Trà được ướp kỹ hương càng sâu và lên men tự nhiên. Trà ướp gạo sen thành phẩm có hương thơm mát thoang thoảng dễ chịu, uống mấy tuần trà vẫn phảng phất hương vị thanh cao.
Với quy trình sản xuất trà ướp gạo sen bí truyền và hoa sen lại không nhiều nên số lượng trà gạo sen có hạn, được chế biến với nguyên liệu cao cấp, phải có đầm sen đủ rộng để đạt nguyên liệu cần thiết khi chế biến. Trà phù hợp làm thức quà cao cấp biếu tặng khách quý, là món quà tình nghĩa, tâm giao sang trọng lại chân chất mộc mạc đồng quê, thấm đẫm sự sáng tạo và tinh thần lao động miệt mài của người con Nam Đàn quê Bác.
Để thưởng thức trà ướp gạo sen cần yên tĩnh, cần có bạn hiền, có tâm hồn nhạy cảm biết yêu quý cái đẹp, cái tinh thần cao thượng của sen. Một sản phẩm trà ướp gạo sen có chất lượng thường phải đạt các tiêu chí: Màu sắc, hương thơm, hậu vị dư trà, thưởng thức xong chén trà tâm hồn cảm thấy sảng khoái, thêm yêu cuộc sống.
Nam Đàn hiện nay đang hướng tới huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hoá gắn với du lịch. Hiện nay huyện đã có nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng hình thành từ sản vật quê nhà như tương Nam Đàn, bột sắn dây, giò me, chanh Thiên Nhẫn và các sản phẩm từ làng Sen. Trong đó có sản phẩm Trà ướp gạo sen – một sản phẩm độc đáo của HTX Sen quê Bác hiện đạt chuẩn OCOP 4 sao . Sản phẩm này cùng với những sản phẩm OCOP tiêu biểu khác của Nam Đàn là hiện thân của tinh thần khởi nghiệp, khát vọng làm giàu cho quê hương Kim Liên, Nam Đàn.
Hiện nay Hợp tác xã Sen Quê Bác còn trồng chăm sóc và bảo tồn nhiều giống sen quý, chế biến sâu các sản phẩm từ cây sen như: Trà lá sen, hạt sen sấy, bánh cà hạt sen, trà tâm sen, trà bạch liên nữ vương, tinh bột củ sen, lòng nhãn ôm hạt sen …
nguồn:https://baonghean.vn/doc-dao-san-pham-tra-uop-gao-sen-cua-nam-dan-post288476.html
Có thể bạn không muốn bỏ lỡ
Nhà hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được gắn Sao xanh Michelin có gì đặc biệt?
Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên tại Việt Nam có nhà hàng đạt Sao xanh Michelin – Nén Danang. Đây là danh hiệu nhằm
Lễ hội kem Thủy Tạ 2023 tại Hà Nội – Hương xưa, cảm xúc mới
Chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập và phát triển, thương hiệu Kem Thủy Tạ đã tổ chức lễ hội Kem Thủy Tạ vào
ĐỘC ĐÁO CÁ LĂNG KHO TRÀ CỔ THỤ AN KHÁNH
Trong hành trình khảo sát di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh, thành phố phía Bắc tại Nam Định, Hà Nam, Thái
Sưởi ấm mùa Đông bằng những thức đặc sản cay nồng xứ Nghệ
Trong cái lạnh của mùa Đông, những món ăn có vị cay được nhiều người ưa chuộng hơn cả. Dù ở trên rừng, dưới biển
Tiếp sức du lịch bằng văn hóa ẩm thực
Việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu đa dạng của cộng đồng là hết sức cần thiết.
Món ăn cầu kỳ và tinh tế ở chốn Hà Thành xưa
Cầu kỳ lắm, bún thang phải dùng sợi nhỏ, thịt trứng giò phải thái nhỏ tương đương sợi bún. Các phụ gia khác: củ cải