Vì sao hủ tiếu Mỹ Tho vang danh?

Không biết tự bao giờ, hủ tiếu Mỹ Tho được vang danh đến các vùng miền trong cả nước và quảng bá ở nước ngoài. Đi cùng với chiều dài lịch sử cả trăm năm, hủ tiếu Mỹ Tho vẫn còn “tiếng thơm”, là món ăn hấp dẫn thực khách gần xa.

Hủ tiếu Mỹ Tho, món ăn hấp dẫn du khách mỗi khi đến với TP. Mỹ Tho. Ảnh: Duy Nhựt
Hủ tiếu Mỹ Tho, món ăn hấp dẫn du khách mỗi khi đến với TP. Mỹ Tho. Ảnh: Duy Nhựt

Điều đặc biệt là, cách đây đúng 10 năm, vào năm 2014, hủ tiếu Mỹ Tho được xác nhận là món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á. Đây cũng là cơ hội để “Hủ tiếu Mỹ Tho” nâng cao giá trị thương hiệu và vươn xa trên nền ẩm thực thế giới.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, hủ tiếu Mỹ Tho xuất hiện vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, khởi đầu từ các xe, quán hủ tiếu bên đường trải dài từ Mỹ Tho đến Gò Công. Chủ nhân các tiệm hủ tiếu Mỹ Tho lúc này hầu hết là người Việt gốc Hoa, nhưng chủ lò sản xuất bánh hủ tiếu lại là người Việt. Hủ tiếu Mỹ Tho ngon là do bánh hủ tiếu, bởi đây là loại bánh khô được chế biến từ các loại gạo thơm địa phương như gạo Gò Cát, Nàng Hương, Nàng Út…

Nhưng nhiều câu hỏi cũng được đặt ra là, điều gì đã làm vang danh hủ tiếu Mỹ Tho? Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, đặc trưng của sợi hủ tiếu Mỹ Tho là có mùi thơm của gạo, trụng với nước sôi thì mềm nhưng không bở, dai dai nên gọi là hủ tiếu dai và đặc biệt là ăn không có mùi chua.

Năm 2014, hủ tiếu Mỹ Tho được xác nhận là món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á. Ảnh: TL
Năm 2014, hủ tiếu Mỹ Tho được xác nhận là món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á. Ảnh: TL

Còn theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp được đề cập trong quyển Những trang ghi chép về lịch sử văn hóa Tiền Giang cũng cho rằng, hủ tiếu ở đây nổi tiếng nhờ 2 điểm là bánh hủ tiếu và nước lèo. Bánh hủ tiếu bắt buộc phải được chế biến từ gạo Gò Cát. Địa danh Gò Cát bao gồm một vài xã ven của TP. Mỹ Tho và một số xã của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Theo giới nghiên cứu nông nghiệp của địa phương, đất đai ở Gò Cát có chứa nhiều nguyên tố vi lượng rất thích hợp cho sự phát triển của cây lúa cũng như tạo ra chất lượng cho các loại gạo ở đây.

Gạo Gò Cát đã nổi tiếng ngon từ đầu thế kỷ trước và rượu được làm từ gạo ở vùng này cũng thế. Khi làm bánh hủ tiếu, tất cả các lò sản xuất bánh hủ tiếu ở Mỹ Tho đều sử dụng bột gạo xay từ gạo Gò Cát pha với một ít bột lọc, để kéo sợ hủ tiếu. Và khi được nấu lên, bánh sẽ mềm mại, trong bóng, vừa dẻo lại vừa dai, chớ không bỡ rời, vỡ vụn như bánh hủ tiếu ở các nơi khác.

Du khách thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho bên dòng sông Tiền. Ảnh: Duy Nhựt
Du khách thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho bên dòng sông Tiền. Ảnh: Duy Nhựt

Còn nước lèo thì mỗi tiệm có bí quyết chế biến riêng. Thông thường, để có một nồi nước lèo ngon, ngọt, béo, người ta hầm chung xương ống heo, khô mực nướng, củ sắn và một vài loại gia vị. Nồi nước lèo lúc nào cũng phải sôi liu riu, đủ độ nóng cần thiết để vừa làm chín sợi bánh và tỏa mùi thơm để mọi người xiêu lòng ghé vào tiệm thưởng thức.

Tìm về với nguồn cội hủ tiếu Mỹ Tho, ông Trương Văn Thuận (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) người đã gắn bó mấy mươi năm với việc làm ra hủ tiếu Mỹ Tho, đã nói với chúng tôi rằng, hủ tiếu Mỹ Tho là món ăn đặc trưng của Nam bộ có từ rất lâu và nổi tiếng cách nay hơn một trăm năm. Nguyên liệu chính làm nên món ăn nổi tiếng này là gạo Gò Cát có tại địa phương. Về cơ duyên gắn bó với hủ tiếu Mỹ Tho, ông Thuận cho rằng, vào năm 1983, qua tìm hiểu và học hỏi qua bạn bè, ông mở cơ sở sản xuất bánh bún hủ tiếu tại ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Ông Trương Văn Thuận gắn bó nghề làm hủ tiếu Mỹ Tho mấy mươi năm qua.
Ông Trương Văn Thuận gắn bó nghề làm hủ tiếu Mỹ Tho mấy mươi năm qua.

Lúc đầu, chỉ có một cơ sở của gia đình ông, sau đó ông tập hợp được một số thanh niên nhàn rỗi trong ấp đến hỗ trợ giúp việc nên một số cơ sở sản xuất khác ra đời. Năm 2005, Tổ hợp tác hủ tiếu Mỹ Tho được thành lập với 8 thành viên. Năm 2007, Làng nghề Bánh – Bún – Hủ tiếu Mỹ Tho được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận. Làng nghề có quy mô nhỏ, với 22 cơ sở sản xuất bánh, bún, hủ tiếu có khoảng 100 lao động tham gia làng nghề. Các cơ sở tập trung chủ yếu ở 2 ấp Mỹ Hòa và Hội Gia (Mỹ Phong 8 cơ sở với khoảng 40 lao động) và phường 9, TP. Mỹ Tho. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là bánh tét, bánh ít, hủ tiếu, bánh hỏi, bánh tầm, với số lượng sản phẩm bán ra khoảng 120 tấn/tháng, được tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài tỉnh.

Mấy mươi năm gắn bó với việc làm ra hủ tiếu Mỹ Tho, dù có biến động sản xuất do nhu cầu của thị trường và thay đổi về nguyên liệu, công nghệ nhưng ông Thuận vẫn cố gắng giữ nghề truyền thống của gia đình. Điều đó cũng sẽ tiếp thêm sức mạnh để hủ tiếu Mỹ Tho tiếp tục vươn xa.

Với mong muốn quảng bá hình ảnh hủ tiếu Mỹ Tho đến với thực khách ở các vùng miền, trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 345 năm đô thị Mỹ Tho, TP. Mỹ Tho sẽ tổ chức Lễ hội “Hủ tiếu Mỹ Tho” từ ngày 27 đến 31-12-2024. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa không chỉ quảng bá hình ảnh hủ tiếu Mỹ Tho mà còn giới thiệu nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Tiền Giang nói riêng, Nam bộ nói chung.

nguồn:https://baoapbac.vn/kinh-te/202412/vi-sao-hu-tieu-my-tho-vang-danh-1030025/

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

Ẩm thực Việt Nam ‘bùng nổ’ ở Mỹ

Mỹ đã trở thành “điểm nóng” cho ẩm thực Việt Nam, bằng chứng hiện có gần 8.000 nhà hàng Việt Nam tại nhiều bang của

Đời mắm

Đời mắm cũng như đời người, thật lắm nỗi truân chuyên. Dù trải bao thăng trầm, thì mắm vẫn vẹn nguyên giá trị, kệ cuộc

Xôi Lúa Hà Nội

Đứng bên cửa sổ tầng thứ 20 tòa nhà “Tháp Hà Nội” vừa được xây trên nền nhà tù Hỏa Lò cũ, chị Anh Tú

Chuyến khám phá ẩm thực Itaewon của đầu bếp Pháp kết thúc trong bi kịch

Đầu bếp Guenego Limamou đến Itaewon để khám phá ẩm thực địa phương nhưng không ngờ lại bỏ mạng trong vụ giẫm đạp ở khu

‘Ẩm thực nam nữ’ – Hương vị của đoàn viên

Bên những bàn ăn mâm cao cỗ đầy của phim kinh điển ‘Ẩm thực nam nữ’, bố Chu mong ngóng từng giây sum họp, trong

Sưởi ấm mùa Đông bằng những thức đặc sản cay nồng xứ Nghệ

Trong cái lạnh của mùa Đông, những món ăn có vị cay được nhiều người ưa chuộng hơn cả. Dù ở trên rừng, dưới biển