Á quân MasterChef Việt Nam và món ăn kể chuyện quê hương

Chị đã mạnh dạn “yêu” mì Quảng theo một cách khác. Chị mày mò nghiên cứu để tạo ra những tô mì vừa quen vừa lạ, vừa có bóng dáng “nhà quê”, vừa chuẩn vị Vua đầu bếp.

Ẩm thực là câu chuyện văn hóa 

Rời sân chơi Vua đầu bếp, chị Tuyết Phạm (Phạm Thị Tuyết) trở về vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng với mong muốn làm giàu ẩm thực quê hương. Nhưng rồi “sự nghiệp làm mẹ” kéo chị rời xa giấc mơ đó suốt bốn năm trời.

Trong lúc tay bồng tay bế làm mẹ bỉm sữa, Tuyết Phạm dùng thời gian rảnh hiếm hoi trong ngày để đọc sách, trau dồi kiến thức về văn hóa ẩm thực địa phương, bởi với chị “Nu Đồ không chỉ bán một tô mì, Nu Đồ bán câu chuyện: Câu chuyện hồn Quảng trong món mì Quảng”. 

Tuyết Phạm – Á quân MasterChef Việt Nam – chia sẻ câu chuyện diệu kỳ ẩm thực miền Trung tại chương trình Miền Trung – Miền di sản diệu kỳ

Chính điều đó khiến những thực khách đến với Nu Đồ ồ lên kinh ngạc, vì sự hiểu biết của người phụ nữ này không chỉ gói gọn trong gian bếp, mà còn cả một chiều sâu văn hóa, lịch sử địa phương.

Hiểu đặc tính của ẩm thực miền Trung, Tuyết Phạm nhận ra rằng, kể câu chuyện ẩm thực miền Trung không thể quên kể về những năm tháng khó khăn, về quá trình hình thành lịch sử và nỗ lực của người dân chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt.

Trong dịch COVID-19, khi cả thế giới phải thay đổi cách sống, cách làm việc, thì cách ăn uống cũng khác đi. Con người có thời gian ở trong nhà nhiều hơn giảm thiểu thói quen ăn thức ăn nhanh và những món truyền thống sẽ dần quay trở lại. Đó cũng chính là cơ hội người làm ẩm thực truyền thống nên nắm bắt.

Lớn lên cùng vị cay và mặn, cũng như bao người Quảng khác, Tuyết Phạm nghĩ rằng khẩu vị của mình sẽ không đổi, hoặc rất khó đổi. Khi làm du lịch, được đi nhiều nơi trên thế giới, ghé thăm nhiều vùng miền, Tuyết Phạm dần mở mang tầm nhìn và có thế giới quan khác.

Thế nhưng, đến khi tham gia cuộc thi Vua đầu bếp, trải qua nhiều vòng thi, vượt qua những thử thách và giành ngôi vị á quân với danh xưng “cô gái về vị”, Tuyết Phạm mới hiểu rằng khẩu vị của người miền Trung nếu “chịu” đi ra, “chịu” tìm tòi và phát triển sẽ thăng hoa.

Bởi một món ăn đi ra từ sự nghèo khó, thiếu thốn mà vẫn vững chãi cùng thời gian, thì món ăn đó chỉ cần một chút biến tấu, một chút hội nhập, một chút tinh thần mới, sẽ được lòng số đông.

Làm sao để cái cay không phải là “cay chảy nước mắt” mà cay thấm tình người và cái mặn là “mặn của sự tinh tế” chứ không phải mặn chát.

“Bài toán đặt ra là phải nâng tầm vị của ẩm thực miền Trung như thế nào, để vị cay mặn không phải là cái người ta “không dám thử” mà sẽ là cái “thử một lần là không quên”, Tuyết Phạm chia sẻ.

Cũng vì lẽ đó mà câu chuyện văn hóa được kể ở Nu Đồ luôn là những câu chuyện gần gũi với người Quảng, nhưng không kém phần mới mẻ.

Thương hiệu Nu Đồ là nơi gửi gắm tình yêu quê hương, yêu con người xứ Quảng của Tuyết Phạm

Món miền Trung thiệt thà, người miền Trung chất phác

Tuyết Phạm vừa vinh dự được đại diện cho giới ẩm thực bốn tỉnh thành miền Trung gồm Đà Nẵng – Huế – Quảng Nam – Quảng Bình nói về sự diệu kỳ của ẩm thực xứ mình trong chương trình kích cầu du lịch Miền Trung – Miền di sản diệu kỳ.

Chị nhấn mạnh rằng, món ăn miền Trung thiệt thà, nồng đượm bao nhiêu thì người miền Trung cũng chất phác, chung thủy, “khó lung lay” bấy nhiêu.

Cái hay của ẩm thực miền Trung là về vị mà cũng chính cái vị tạo nên thế khó của ẩm thực nơi đây. Trên hành trình thiên di của ẩm thực song hành cùng với văn hóa và lịch sử, ẩm thực miền Trung cứ mãi phân vân trong nhiều ngã rẽ.

Người ta vì quá thương ẩm thực xứ này, quá biết ơn cái cay cái mặn nên không muốn đổi, không muốn tác động, không muốn chạm vào, nhưng món ăn nào cũng có lịch sử của riêng mình, dù muốn hay không nó vẫn phải đổi khác và đi ra. 

“Khi đã quyết định đi ra thế giới thì phải chấp nhận cái mới. Nhưng cái mới ở đây không phải là thay đổi, đánh mất mình, mà là cái mới để hòa nhập. Phải hòa nhập mới có điều kiện để thể hiện mình, mang giá trị của mình đi xa. Ở Nu Đồ, chúng tôi giữ những gì cần giữ và tiếp nhận những thứ mới mẻ, góp phần thăng hoa cho món ăn, để du khách có cơ hội thử và hiểu món ăn”, Tuyết Phạm khẳng định.

Và chị đã mạnh dạn “yêu” mì Quảng theo một cách khác. Chị mày mò nghiên cứu để tạo ra những tô mì vừa quen vừa lạ, vừa có bóng dáng “nhà quê”, vừa chuẩn vị Vua đầu bếp.

Mì Nu Đồ vẫn gốc Quảng với những sợi mì làm bằng tay, nước chan sệt và đậm đà. Nhưng để cả du khách vùng miền khác lẫn bạn bè nước ngoài “hiểu và cảm” được tô mì, Tuyết Phạm đã dùng “chiêu” riêng. 

“Tôi dùng gà và cá đã lọc bỏ xương thật kỹ, rau sống cũng phải là những loại rau người nước ngoài ăn được. Và tôi tự hào vì những người bạn quốc tế rất kén ăn cá lại thích món mì cá tại Nu Đồ. Chính vì lẽ đó tôi khẳng định mì Nu Đồ là đại diện chỉn chu của một món ăn truyền thống biết kể chuyện quê hương”, Tuyết Phạm tự hào nói.

Trong tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khi nhiều người kinh doanh ẩm thực gặp khó khăn hoặc chưa biết đi đâu về đâu thì Tuyết Phạm lại nghĩ khác.

Chị cho rằng đây là thời điểm thích hợp để mỗi thương hiệu “thai nghén” câu chuyện của riêng mình, chuẩn bị thật tốt các giá trị quanh món ăn, để khi ngành du lịch mở cửa trở lại, mọi thứ đều đã sẵn sàng. 

Mì Nu Đồ đã được biến tấu để vẫn giữ chất Quảng, nhưng phù hợp thị hiếu người nước ngoài

Còn nhớ thời điểm thành phố Đà Nẵng giãn cách xã hội, Tuyết Phạm phối hợp với cộng đồng người nước ngoài tại Đà Nẵng tổ chức những buổi nấu ăn cho nhân viên y tế. Thông qua những chương trình như thế, bạn bè quốc tế biết đến văn hóa “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” của người Việt.

Trên hành trình thiên di của ẩm thực miền Trung, Tuyết Phạm nói chị mong mỏi được gặp gỡ nhiều người làm ẩm thực văn minh để cùng nhau mang văn hóa ẩm thực đi xa hơn nữa. 

nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/a-quan-masterchef-viet-nam-va-mon-an-ke-chuyen-que-huong-a1432325.html

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

Làm bánh canh Nam Phổ cố đô Huế

Bánh canh Nam Phổ là món ăn gia truyền của làng Nam Phổ, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Món ăn này tuy bình dị nhưng

Thịt chua – món ăn cầu kỳ của người Dao Đà Bắc

Nếu thịt chua của Phú Thọ làm xong 3 ngày được ăn thì thịt chua của người Dao Tiền ở bản Sưng (Đà Bắc –

Đầu bếp Đoàn Thị Hương Giang

Chị Đoàn Thị Hương Giang, hiện đang là Tổng bếp trưởng Điều hành tại Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa, Đà Nẵng. Là người

ĐỘC ĐÁO CÁ LĂNG KHO TRÀ CỔ THỤ AN KHÁNH

Trong hành trình khảo sát di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh, thành phố phía Bắc tại Nam Định, Hà Nam, Thái

Cách làm sạch mực ống và bạch tuộc, không bị tanh

Sơ chế đúng cách không giúp các món ăn được chế biến từ mực ống và bạch tuộc giữ được độ tươi, ngon mà còn

Dạo chợ đỡ nhớ quê hương

Chợ phiên, hay chợ tự phát, mỗi dịp cuối tuần hoặc dịp lễ, tết ở Mỹ không còn là điều xa lạ. Đây không chỉ