Cao Bằng: Bánh đúc nhân thịt băm, lá hẹ ở xã Lý Quốc

Bánh đúc ở xã Lý Quốc (Hạ Lang) không chỉ là món ăn dân dã với nguyên liệu thiên nhiên thuần túy mà còn là thức quà được chế biến theo công thức đặc trưng.

Món bánh đúc được làm từ 3 nguyên liệu chính: bột gạo tẻ, thịt và lá hẹ. Để làm bánh đúc, trước tiên, cho bột gạo tẻ vào nước vôi trong rồi khuấy cho bột tan hòa đều cùng với nước, cho thêm bột canh vào và tiếp tục khuấy cho tan bột canh.

Cho hỗn hợp nước vôi hòa với bột ngâm khoảng 2 giờ rồi cho vào nồi gang đun sôi, vừa đun vừa dùng đũa khuấy đều tay để tránh bột bị vón cục và lắng ở đáy nồi. Khuấy đều tay theo một chiều, như vậy bột sẽ tan đều và bánh đúc sẽ dẻo thơm và mềm mịn hơn. Khi hỗn hợp bột bắt đầu sền sệt thì cho lửa nhỏ lại và cho thêm mỡ lợn vào trộn đều. Dùng mỡ lợn thì bánh sẽ bóng và không bị dính. Đậy vung lại và đun khoảng 15 phút thì mở vung ra dùng đũa khuấy đều một lần nữa rồi tiếp tục đun như vậy đến khi nào bột quánh đặc lại. Theo những người có kinh nghiệm làm bánh đúc ở Lý Quốc, muốn bánh dẻo ngon, không bị dính tay khi ăn thì phải đun bột trên bếp khá lâu, để lửa liu riu. Sau khi thấy bột đã đạt chất lượng thì đổ bột ra mẹt.

Bánh đúc là món quà quê thể hiện phong vị ẩm thực bình dị, thanh đạm, dân dã.
Bánh đúc là món quà quê thể hiện phong vị ẩm thực bình dị, thanh đạm, dân dã.

Phần nhân bánh được làm từ thịt lợn vai băm nhỏ, ướp gia vị vừa ăn. Lá hẹ thái nhỏ, xào cùng thịt băm. Xào cho đến khi thịt săn lại, thơm nức mùi thì tắt bếp. Phần nhân bánh được rải đều lên bột trên mẹt, đợi bánh nguội cắt thành những miếng vừa ăn là hoàn thành món bánh đúc. Theo chị Tạ Thị Thúy, người dân xã Lý Quốc, nhân bánh nhất định phải là lá hẹ mới nên vị, lá hẹ là một loại rau gia vị quen thuộc, chế biến cùng với thị băm làm thành nhân bánh đúc rất ngon, hợp khẩu vị. 

Làm bánh đúc không quá khó nhưng cũng không đơn giản bởi cần kinh nghiệm. Bột phải cho nước vôi vừa đủ để lên màu đẹp, nhưng không được quá nhiều vì sẽ bị nồng. Khâu pha bột cũng cần pha chuẩn, không pha đặc hay loãng, đồng thời phải chọn loại vôi củ đã tôi ít nhất một năm để nước vôi khi gạn sẽ trong và không có vị chát, như vậy bánh đúc sẽ thơm ngon, dẻo, bùi.

Khi ăn bánh đúc bạn sẽ cảm nhận được sự mềm dẻo, dai nhưng vẫn giữ được độ giòn, mát, mịn của miếng bánh hòa quyện với vị béo, thơm ngậy của thịt băm, lá hẹ. 

Từ lâu bánh đúc là món quà quê thể hiện phong vị ẩm thực bình dị, thanh đạm, dân dã mà thơm ngon. Hiện nay, ở các phiên chợ Bằng Ca vẫn bày bán món ăn dân dã mà thơm ngon này. Bánh đúc cũng được người dân xã Lý Quốc mang đi giới thiệu, trưng bày tại các lễ hội trong và ngoài huyện nhằm quảng bá sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương đến với người dân và du khách.

nguồn: Báo Cao Bằng (https://baocaobang.vn/banh-duc-nhan-thit-bam-la-he-o-xa-ly-quoc-3166815.html)

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

Á quân MasterChef Việt Nam và món ăn kể chuyện quê hương

Chị đã mạnh dạn “yêu” mì Quảng theo một cách khác. Chị mày mò nghiên cứu để tạo ra những tô mì vừa quen vừa

Báo quốc tế bình chọn những món ăn phải thử một lần trong đời: Việt Nam lọt top với 2 đại diện

Phở và bánh mì được xếp vào danh sách 60 món ăn mà ai cũng nên thử ít nhất một lần trong đời, do tờ

Nhà hàng 1946

Nơi lưu giữ nét ẩm thực Hà Nội truyền thống trong suốt những năm tháng hiện đại Đến với nhà hàng 1946 bạn sẽ tìm

Hồng quân – đặc sản của vùng Bảy núi

Hồng quân là loại cây phù hợp với vùng đất cao, nhất là đất núi có khí hậu mát mẻ và đêm có sương mù.

Xôi Lúa Hà Nội

Đứng bên cửa sổ tầng thứ 20 tòa nhà “Tháp Hà Nội” vừa được xây trên nền nhà tù Hỏa Lò cũ, chị Anh Tú

Chợ quê ở huyện

Vùng trung du Tiên Phước quê tôi có chợ huyện tọa lạc bên con sông Tiên hiền hòa. Bây giờ qua tuổi sáu mươi, trong