Khách Philippines đánh giá cao ẩm thực Việt

Sau khoảng một tháng du lịch xuyên Việt, cặp đôi food blogger JB & Renée đã có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn ngon trải dài từ Bắc đến Nam. Theo chia sẻ, cả hai ấn tượng với vị ngon cân bằng trong các món bánh truyền thống đặc trưng mỗi vùng, miền.

Trên trang blog Will fly for food, JB & Renée đã chia sẻ một bài viết ghi nhận về trải nghiệm du lịch của cả hai tại đất nước hình chữ S trong những ngày tháng 6 vừa qua. Bằng tâm hồn ăn uống cởi mở, cặp đôi food blogger không ngừng trải nghiệm mọi món ngon tại những nơi họ đặt chân đến, từ Sapa, Hà Nội, Huế, Hội An, TP.HCM cho đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mở đầu bài viết, họ nhận xét rằng “Việt Nam là một trong các quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời!”.

Việt Nam được khen ngợi là quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời. Ảnh: Jeswin Thomas.
Việt Nam được khen ngợi là quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời. Ảnh: Jeswin Thomas.

Trên hành trình từ Bắc vào Nam kéo dài gần một tháng, JB & Renée chọn thưởng thức những món ăn truyền thống để tìm hiểu sâu hơn về phong cách ẩm thực của người Việt. Họ chia sẻ, nếu phải dùng một từ để miêu tả về ẩm thực Việt Nam, đó chắc chắn là “cân bằng”.

“Từ lâu, yếu tố cân bằng luôn được các nhà ẩm thực trên thế giới xem trọng, và tại Việt Nam, sự cân bằng trong mỗi món ăn thực sự rất cần thiết”, tác giả bài viết nhận định.

Để làm rõ điều này, JB & Renée cho biết, họ đã chú ý đến hương vị, thành phần dinh dưỡng và cách bài trí món nem cua bể khi vi vu Hà Nội. Qua đó, phát hiện thấy sự cân bằng về yếu tố ngũ hành trong món ngon nức tiếng Thủ đô.

“Ví dụ trong cách nêm gia vị, bạn sẽ thấy có sự cân bằng giữa vị chua, đắng, ngọt, cay và mặn. Về phần trình bày, món ăn Việt Nam xuất hiện đầy đủ 5 màu sắc: xanh lá của hành Mộc, đỏ của hành Hỏa, vàng của hành Thổ, trắng của hành Kim và đen của hành Thủy. Sự hài hòa yếu tố ngũ hành cho phép người Việt thưởng thức những món ăn có lợi cho sức khỏe, cân bằng thành phần dinh dưỡng như carbohydrate, chất béo, đạm, khoáng chất và nước”.

Món nem cua bể trứ danh đất Hà thành. Ảnh: ST.
Món nem cua bể trứ danh đất Hà thành. Ảnh: ST.

Bên cạnh đó, cả hai còn hứng thú với món chả giò (nem rán). Mặc dù món ăn có khá nhiều dầu mỡ nhưng lại rất tươi ngon. Quan trọng hơn, nó thể hiện tròn vẹn tính cân bằng của ẩm thực Việt Nam thông qua nguyên liệu, mùi vị và yếu tố ngũ hành.

“Đó thực sự là một trải nghiệm giúp chúng tôi mở mang tầm mắt để thêm hiểu và yêu thích ẩm thực Việt Nam. Bây giờ chúng tôi đã là những fan hâm mộ”, JB & Renée bày tỏ sự thán phục.

Cặp đôi food blogger JB & Renée của trang blog ẩm thực nổi tiếng Philippines Will fly for food. Ảnh: Will fly for food.
Cặp đôi food blogger JB & Renée của trang blog ẩm thực nổi tiếng Philippines Will fly for food. Ảnh: Will fly for food.

Nhằm giúp các độc giả của mình dễ dàng tiếp cận các món ngon Việt Nam khi đến đây du lịch, cặp đôi food blogger đã gợi ý một danh sách dài các món bánh truyền thống của người Việt. Theo đó, món bánh cuốn của miền Bắc đứng đầu danh sách này.

Món bánh được làm từ bột gạo mỏng lên men hấp chín cùng với nhân thịt lợn xay đã tẩm gia vị và mộc nhĩ, ăn kèm với hành khô và một chén nước mắm cùng các loại rau thơm. Tùy mỗi nơi, món ăn này còn có thêm chả lụa, dưa leo cắt sợi và giá đỗ.

Món bánh cuốn hấp dẫn. Ảnh: ST.
Món bánh cuốn hấp dẫn. Ảnh: ST.

Kế tiếp là các loại bánh của đất cố đô Huế, như bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh ram ít, bánh ướt và chả tôm, khi ăn thường kèm với chén nước mắm pha đặc trưng.

Ở TP.HCM, món bánh tráng nướng – “pizza của Việt Nam” đã khéo léo chinh phục 2 blogger. Để làm món này, trứng cút hoặc trứng gà được đánh tan và trộn với hành lá trước khi đổ lên bánh tráng. Điều này giúp bánh tráng không bị cháy và giữ tất cả các lớp phủ bên trên lại với nhau. Đây là một món ăn đường phố cực kỳ nổi tiếng với người dân Sài thành.

Bánh tráng nướng - "pizza của Việt Nam". Ảnh: ST.
Bánh tráng nướng – “pizza của Việt Nam”. Ảnh: ST.

Cuối cùng, tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, JB & Renée ấn tượng với món bánh xèo. Đây là một loại bánh giòn làm từ bột gạo chiên với nhân thịt ba chỉ, tôm, hành lá và giá đỗ. Để làm bánh xèo, bột phải được đổ vào chảo nóng và sau đó đổ đầy các nguyên liệu trước khi gấp lại giống như món trứng ốp la.

Bánh xèo thơm ngon, vàng ươm giòn rụm. Ảnh: Kazak97.
Bánh xèo thơm ngon, vàng ươm giòn rụm. Ảnh: Kazak97.

“Kỳ lạ ở chỗ màu của bánh xèo giống như món trứng rán nhưng lại không phải làm từ trứng. Màu vàng ấy có được do nghệ trộn với bột mà thành.

Bánh xèo cũng được ăn cùng với các loại rau thơm như rau mùi, bạc hà và tía tô trước khi chấm vào nước mắm pha chua ngọt. Dù là đồ chiên nhưng không ngấy dầu mỡ nhờ có vị tươi mát của rau xanh hài hòa trong vị chua ngọt của nước mắm. Giòn bên ngoài nhưng mềm bên trong, bánh xèo rất ngon và thú vị khi ăn”, tác giả bài viết chia sẻ.

theo Nguyễn Bảo/https://tcdulichtphcm.vn//an-gi/khach-philippines-danh-gia-cao-am-thuc-viet-goi-y-nhung-mon-ngon-phai-thu-c12a56594.html

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

Đặc sản gỏi cá dân tộc Thái Lai Châu

Gỏi cá được đánh giá là món ăn ngon, chủ đạo để thết đãi khách quý của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện sự

Hàn Quốc cảnh báo trào lưu ăn ‘tăm sinh học chiên’ trên mạng xã hội

Bộ Thực phẩm Hàn Quốc mới đây đã kêu gọi người dân không ăn “tăm sinh học chiên” khi trào lưu này được lan truyền

Tương bần thuở hàn vi

Sắp đầy đủ nguyên liệu cá, chuối, riềng, nghệ và chút thịt ba chỉ vào nồi, tôi ra sau nhà lấy chai tương từ quê mẹ

Sự kiện tôn vinh ngành F&B “Flavors Việt Nam 2022” chính thức trở lại

Nền tảng số Vietcetera chính thức công bố sự trở lại của Flavors Việt Nam 2022 – sự kiện tôn vinh các đơn vị hoạt

Hương vị ngày Tết miền Tây Bắc

 Nhắc đến Tây Bắc, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến hình ảnh những thửa ruộng bậc thang xanh mướt trùng điệp hay khung cảnh

Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon Saigontourist Group 2024

Ngày 28/3, Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon Saigontourist Group 2024 chính thức khai mạc tại Khu du lịch Văn Thánh, TP.HCM, mở