Từ 10-12.12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày của phở” năm 2022 với nhiều chương trinh thú vị, hấp dẫn, có sự quan tâm của hơn 80 quốc gia.
Phở là món ăn tiêu biểu của ẩm thực Việt, tiêu biểu cho nền văn hóa lúa nước, sử dụng nước mắm, nhiều chất, nhiều vị, lấy hương vị tự nhiên làm gốc. Hiện phở không chỉ đơn thuần là món ăn khoái khẩu mà thực sự trở thành “đại sứ ẩm thực” góp phần vinh danh văn hóa Việt
Sự kiện “Ngày của phở” năm 2022 được tổ chức với mục đích góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa ẩm thực Nam Định, nâng cao thương hiệu ẩm thực tỉnh nhà phục vụ phát triển ẩm thực du lịch. Thông qua các hoạt động của chương trình hình thành chuỗi kinh doanh sản phẩm, tạo giá trị cho các thành viên hiệp hội cũng như tham gia tích cực vào việc phát triển kinh tế, du lịch địa phương. Bên cạnh đó, sự kiện cũng làm nổi bật vị trí, vai trò của nghệ nhân, đầu bếp, các đơn vị sản xuất kinh doanh đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa ẩm thực phở Nam Định.
Sự kiện diễn ra tại Quảng trường 3 tháng 2, trong 3 ngày từ 10-12.12, với nhiều gian hàng giới thiệu các thương hiệu phở và chuỗi cung ứng phục vụ nghề phở. Bên cạnh cơ hội thưởng thức những tô phở chuẩn vị Nam Định được nấu bởi các nghệ nhân truyền thống, khách mời và người dân tham gia sự kiện cũng sẽ được thưởng thức các món phở với hương vị đặc trưng vùng cao như phở H’Mông; phở Hội tụ của miền Nam và phở Sâm Ngọc Linh ( Phở biến tấu). Được trải nghiệm phở cùng nghệ nhân UNESO Hoàng Minh Hiền – nghệ nhân đầu tiên của Việt Nam được Unesco công nhận là người có công truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của đất nước Việt Nam; nghe chuyên gia dinh dưỡng Yến Phi nói về dinh dưỡng.
Không gian phở xưa Nam Định được tái hiện tại đình làng Vân Cù ( xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) từ 14h -17h ngày 10.12 với sự tham gia của hơn 100 khách mời đến từ ngoại giao đoàn. Hai gian hàng giới thiệu hương vị phở Vân Cù do dân làng thực hiện và thực hành bánh tráng do phở Vượng đảm trách đặt hai bên cổng vào đình. Cả hai gian đều được thiết kế theo phong cách truyền thống, gợi nhớ về gánh phở Vân Cù xưa cũ.
Làng Vân Cù được biết đến là cái nôi của nghề phở cả nước. Đây là làng nghề làm phở nhiều nhất, lâu năm nhất và “độc quyền” với món Phở bò. Theo người trong làng kể lại, cụ Cồ Hữu Vàng là người đi tiên phong đưa phở gánh ra Hà Nội vào những năm 1930 sau đó nhiều người học theo. Cụ Phan Đăng Chiêm người từng bán phở gánh ở phố Hàng Trống từ năm 1942, quay về Nam Định rồi lại lên mở hiệu phở ở Lãn Ông từ năm 1953. Sau này, gia đình cụ mở thêm nhiều hiệu phở và 2 lò bánh phở ở Hà Nội.Sau cụ Chiêm, các cụ Cồ Văn Chiêu, Cồ Việt Hùng, Cồ Văn Đát, Cồ Khắc Đoàn, Vũ Văn Điệu đã duy trì, truyền dạy con cháu và phát triển nghề phở gia truyền Nam Định tại Hà Nội …Người Vân Cù đã mang nghề phở của làng đi khắp cả nước, ra cả nước ngoài. Cũng không ai nhớ món “tuyệt kỹ” phở Vân Cù xưa vị chuẩn nó ra sao nhưng người dân Nam Định thì vẫn mang niềm tự hào phở Vân Cù đã tồn tại và lưu truyền trong những trang viết bất hủ của những tên tuổi Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân…
Thưởng thức món ăn ngon là trải nghiệm sự tài hoa và cả sự sáng tạo của người nấu. Phở là món ăn đã quá nổi tiếng, quá quen thuộc không chỉ với người Việt mà ngay cả khách quốc tế khi đến Việt Nam và ở nước ngoài cũng biết , hoặc nghe nói về phở Việt. Trăm nghe không bằng một thấy, đặt chân đến vùng đất được xem là “cái nôi “ của phở; thưởng thức những tô phở từng được xem là “tuyệt kỹ” của người dân quê Vân Cù, nghe họ kể về nguồn gốc của món ăn, sẽ là những kỷ niệm khó quên kể cả với những thực khách khó tính. Tại sự kiện này, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam sẽ tôn vinh các nghệ nhân phở truyền thống Vân Cù như một sự tri ân và khẳng định sự tài hoa với ngón nghề làm phở đậm đà hương vị Việt của họ.
Một món ăn sẽ có nhiều người nấu ngon nên việc tìm ra người nấu phở ngon nhất là việc không đơn giản. Tại vòng sơ khảo Cuộc thi thi “Đi tìm người nấu phở ngon năm 2022” các thí sinh phía Bắc đã khiến Ban Giám khảo “đau đầu” vì quá nhiều “đối thủ mạnh”. Nhưng cũng không phải quá khó nếu lấy sự tinh tế để tìm sự khác biệt. Hơn nhau ở sự tài hoa và mọi sự sáng tạo đều phải hướng đến sự tinh tế. Nói như nhà văn Thạch Lam trong tùy bút “Quà Hà Nội”: “Như cái thứ phở thực cũng như bản tuồng, chèo. Để nguyên tuồng chèo cổ thì hay, chứ đã pha cải lương vào thì hỏng bét. Có chăng muốn cải cách thì để nguyên vị, mà cách làm tinh vi hơn lên. Cái nội dung và thể tài vẫn cũ, mà tinh thần thì ngày một sắc sảo thêm vào”. Nên, những tín đồ của phở kỳ vọng gương mặt thắng cuộc được trao giải tại sự kiện Ngày của phở tại Nam Định năm 2022 sẽ là người góp phần nâng giá trị vốn có món ẩm thực này theo hướng tinh tế.
CHU THU HẰNG
nguồn: báo văn hóa
Có thể bạn không muốn bỏ lỡ
Olive Tree – Nét Địa Trung Hải giữa lòng phố Hội
Tọa lạc ở khu vực trung tâm của Bay Resort Hoi An (Hội An, Quảng Nam), nhà hàng Olive Tree mang trải nghiệm ẩm thực
Thịt chua – món ăn cầu kỳ của người Dao Đà Bắc
Nếu thịt chua của Phú Thọ làm xong 3 ngày được ăn thì thịt chua của người Dao Tiền ở bản Sưng (Đà Bắc –
Chân dung những đầu bếp nhà hàng đầu tiên được nhận “một sao Michelin” ở Việt Nam
Trong 103 nhà hàng Việt Nam được Michelin lựa chọn và công bố, chỉ có 4 nhà hàng được đánh giá “một sao Michelin” nhờ
Hương vị rau cần
Những người con xa xứ như tôi, mỗi lần nhớ về quê hương không thể không nhớ về Tết quê. Nỗi nhớ ấy như sâu
Đầu bếp Đoàn Thị Hương Giang
Chị Đoàn Thị Hương Giang, hiện đang là Tổng bếp trưởng Điều hành tại Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa, Đà Nẵng. Là người
Kết hợp giữa bánh trung thu và trà sao cho tinh tế?
Thưởng thức bánh trung thu cùng với uống trà là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Tuy nhiên, tùy từng