Lâu lắm rồi tôi không có dịp về thăm quê nội (xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (Sóc Trăng)), một vùng quê yên bình bên bờ sông Hậu. Tuổi thơ tôi gắn bó cùng nơi này với biết bao nhiêu kỷ niệm, đặc biệt là các món bánh quê do bà nội tôi làm. Bà có thể chế biến được nhiều thứ bánh, nhưng bánh kẹp vẫn là loại tôi thích nhất.
Bánh kẹp là loại bánh nướng được chế biến từ bột gạo, trứng gà hoặc trứng vịt, nước cốt dừa, đường và một số loại gia vị khác. Dụng cụ nướng bánh được gọi là khuôn bánh, làm bằng gang. Sở dĩ gọi là bánh kẹp là vì khuôn bánh có hai mặt phẳng, khi cho bột vào nướng, hai mặt khuôn sẽ kẹp khít lại phần bột cho tới khi chín thì thôi.
Nhà nội xa chợ nên bánh trái ăn vặt được xem là thứ xa xỉ, năm khi mười họa mới được ăn một lần. Nhưng may mắn là tôi có người bà rất khéo tay, luôn yêu thương con cháu. Biết con cháu thiếu thốn đủ thứ nên rảnh tay một chút là bà lại làm bánh cho ăn. Nhà bà có cái cối đá để xay bột, nghe đâu từ thời bà cố tôi để lại. Với ít gạo, bà có thể xay bột rồi chế biến thành nhiều loại bánh quê rất ngon, đặc biệt là bánh kẹp.

Không như những loại bánh quê khác, thường được chế biến trực tiếp sau khi xay bột, làm bánh kẹp phải chuẩn bị khá công phu. Gạo phải ngâm qua đêm chung với trái khóm được cắt nhỏ cho mềm rồi mới đem xay bột. Sau đó, bột sẽ được cho vào túi vải, để lên chiếc cối đá dằn lại cho ra hết nước. Đến khi bột ráo sẽ xé nhỏ ra từng phần đem phơi nắng cho khô. Khi làm bánh chỉ cần đem bột nhồi chung với nước cốt dừa, đường và trứng gà hoặc trứng vịt là xong. Nói nghe dễ vậy chứ, có tận mắt chứng kiến cách làm bánh thì mới thấy được sự kỳ công và khéo léo của người thợ. Khâu pha bột được xem là quyết định đến chất lượng của bánh kẹp.
Ngày trước, bánh kẹp thường được nướng trên than hồng. Ở quê không có than thì bà tôi thường đốt vỏ dừa cho thành than rồi mới nướng. Trước khi nướng, bà thường để khuôn bánh lên than cho nóng rồi mới cho bột vào. Khi bột vào khuôn trở qua trở lại cho đều chừng 1 phút là bánh chín. Loại bánh này cũng có điểm lạ, khi mở khuôn ra, bánh mềm nhũn nhưng người nướng phải nhanh chóng xếp lại ngay, không thì lập tức bánh sẽ chuyển sang giòn rụm không thể xếp được. Bà tôi rất khéo tay. Bánh bà nướng ngoài độ ngọt béo, để vào miệng rất giòn tan thì bà còn có thể xếp bánh thành hình cánh bướm hoặc cánh diều rất đẹp.
Ở quê tôi thì đám tiệc, Tết nhất gì cũng phải có bánh, bánh kẹp là thứ không thể thiếu. Hễ nhà nào có đám tiệc là cả xóm đến phụ. Không ai bảo ai, biết nướng bánh là tự đem khuôn theo, vì đa phần nhà nào cũng có cái khuôn nướng bánh kẹp hoặc bánh bông lan. Dù dưới cái nóng hầm hập của bếp than hồng, mồ hôi nhễ nhại nhưng các bà, các chị nướng bánh rất vui vẻ. Tuy nhiên, sướng nhất vẫn là đám con nít chúng tôi, cứ chực sẵn chỗ nướng, chờ ai nướng lỗi là lập tức vào xin ngay, không để sót cái nào.
Bánh nướng xong phải cho vào túi nilon hay keo bảo quản ngay, không thì bánh bị lọt gió mất đi độ giòn. Thời còn thiếu thốn đủ thứ đâu có bọc để đựng kín như bây giờ nên phải để bánh vào thùng. Đó là loại thùng hình vuông, bằng nhôm được hàn kín lại, có nắp đậy. Nhà nào có đám tiệc là hàng xóm sẵn lòng đem đến cho mượn ngay. Hồi nhỏ, tôi rất náo nức mỗi khi được ai đó mượn thùng đựng bánh, vì khi trả, chủ nhà sẽ có bánh “dằn thùng” tha hồ mà thưởng thức.
Thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp hình ảnh những gánh bánh, những mâm bánh quê mà thuở nào bà tôi, mẹ tôi đã dành trọn cả tình yêu thương gửi vào trong đó. Dù cuộc sống có thay đổi thế nào thì tôi vẫn thương hoài hương bánh kẹp!
theo: QUÁCH TẤN THUẦN/https://www.baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/thuong-hoai-huong-banh-kep!-69742.html
Có thể bạn không muốn bỏ lỡ
Trải nghiệm không gian ẩm thực sáng tạo lấy cảm hứng từ những cơn mưa mùa hạ ở TP.HCM
Với triết lý “Một món ăn không những cần ngon ở hương vị, đẹp trong cách trình bày mà còn nằm ở cảm xúc và
Bánh Tổ – một điểm giao ngọt ngào của văn hóa
Bánh tổ không phải do người xứ Quảng sáng tạo nên. Thứ bánh này đã có một cuộc hành trình rất dài, để rồi thấm
Nghiêng mình theo đất
Một bữa gặp nhau giữa phố chiều mưa bạn nói ước chi bây giờ được về quê ăn cho đã thèm đồ quê! Kiểu như
Nhà hàng 1946
Nơi lưu giữ nét ẩm thực Hà Nội truyền thống trong suốt những năm tháng hiện đại Đến với nhà hàng 1946 bạn sẽ tìm
Nghệ nhân dân gian Vũ Văn Đức tham gia phục vụ lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam tại Thái Lan
Tối 30 tháng 8 vừa qua, trong bữa tiệc nhằm kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Món ngon Thái Lan, Ấn Độ, Trung Đông… tại Lễ hội Ẩm thực 5 châu
Từ ngày 11 đến 14-5, người dân TP.HCM sẽ được tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa ẩm thực quốc tế khi đến