Ẩn dưới vẻ bề ngoài bụi bặm, nhà khảo cổ nổi danh gốc Hà Nội có một tâm hồn văn hóa sâu sắc để cặm cụi bảo tồn những giá trị đậm chất nhân văn trong suốt nhiều thập kỷ qua. Tiến sĩ Vũ Thế Long là một nhà nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực với rất nhiều đóng góp cho xã hội, mà đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị nhân văn từ khảo cổ, cổ sinh học tới lịch sử, nhân chủng học, văn hóa và ẩm thực.
Làm khoa học về bảo tồn rất vất vả mà chẳng thể giàu
Tiến sĩ (TS) Vũ Thế Long là con trai trưởng trong gia đình Hà Nội gốc ở làng cổ Hoàng Mai với cha là kỹ sư vô tuyến điện tại Sở Bưu điện và mẹ là nhân viên Sở Công chánh (tức Sở Giao thông). Ông được sinh ra ngay tại vùng tản cư Thường Tín vào đầu năm 1947 sau những ngày Hà Nội khói lửa ngụt trời của mùa đông năm 1946. Noi gương cha mẹ, ông đã quyết chí tiến thân bằng con đường học tập.
Từ bé ông đã có tình yêu với động vật và cây cối nên ông bén duyên với ngành sinh học rồi theo học ngành sinh vật học và nhân học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, ông về công tác tại Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để góp phần xây dựng liên ngành nhân học – cổ sinh học – khảo cổ trong suốt gần 40 năm liên tục.
Ông đã có hàng trăm chuyến công tác đến khắp mọi miền núi rừng, hải đảo của Việt Nam, từng đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Nhân chủng học và môi trường của Viện Khảo cổ học và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu quan trọng về khảo cổ, cổ sinh học, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, lịch sử và văn hóa dân gian.
Sau khi hoàn thành chương trình trao đổi nghiên cứu tại Viện hàn lâm khoa học CHDC Đức cũ, ông đã tham gia hợp tác với nhiều tổ chức khoa học quốc tế (Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Liên Xô cũ…) liên quan đến các chủ đề về Việt Nam và khu vực Á Đông. Với uy tín khoa học của mình, TS Vũ Thế Long đã góp phần vào việc thúc đẩy bảo tồn các giá trị đầy ý nghĩa cho Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của giới khoa học quốc tế về Việt Nam.
Tiêu biểu trong đó có thể kể đến gồm các nghiên cứu về hóa thạch của quần thể động vật có vú tại các hang động ở miền Bắc; hình tượng bò trên Trống đồng Đông Sơn; con lợn của Đông Nam Á và Việt Nam; ngăn cản chim lao vào máy bay; hồ sơ trình UNESCO công nhận “Công viên địa chất toàn cầu” cho vùng biển Quảng Ngãi… Ngoài ra, ông còn tham gia giảng dạy cho sinh viên tại Việt Nam tại các Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Văn hóa,… và nước ngoài như Đại học Kyoto, Nhật Bản…
Với lý lịch khoa học đồ sộ như vậy mọi người dễ nghĩ ông sẽ giàu lắm. Nhưng ông vẫn đi chiếc xe máy cà tàng suốt hơn 20 năm qua, dùng và mặc toàn đồ cũ mà chẳng mấy khi kiểu cách. Nghề khảo cổ của ông vô cùng vất vả với những chuyến công tác dài ngày nên việc gia đình suốt từ năm 1973 đến nay ông đều phải nhờ cậy cả vào người vợ – PGS.TS Phạm Tú Hương – giảng viên Khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đối với ông sự “giàu – nghèo” và vật chất chỉ là tương đối, sống lương thiện và có ích mới là điều ý nghĩa nhất.
Câu chuyện từ di khảo của triệu năm trước đến việc ăn uống ngày nay
Tư duy khoa học của TS Vũ Thế Long khá khác biệt nhưng rất thực tế khiến cho mọi người nể trọng. Từ lĩnh vực chính là khảo cổ và cổ sinh học, ông đã tìm hiểu sâu thêm về một trong những yếu tố quan trọng nhất để tồn tại của mọi loài động vật là “chuyện ăn, chuyện uống”.
Rất nhiều câu chuyện hấp dẫn đã được ông phát hiện mà đặc biệt là tập tục nói chung và phong tục sinh hoạt của con người theo lịch sử suốt triệu năm qua. Ông đã lý giải được nhiều vấn đề như công cụ lao động, văn hóa xã hội, lối sống và tín ngưỡng, biến đổi của môi trường sống, … từ việc ăn uống của con người và động vật thông qua nghiên cứu khảo cổ.
“Phải đúng sự thật mới là khoa học chân chính, đừng huyễn hoặc và truyền thuyết hóa lịch sử” – đấy là tôn chỉ làm việc của TS Vũ Thế Long. Một số vấn đề khoa học mà ông từng đề xuất mang tính logic cao, trực diện nên đôi khi gây sốc với nhiều người như về rùa ở Hồ Gươm, cây tùng cổ thụ ở Yên Tử…
Ông ưa thích viện dẫn lịch sử từ di khảo xưa để liên hệ với ngày nay theo cách rất dễ hiểu và trần tục như đời thường đến mức nhiều người không quen nghĩ ông là đơn thuần chỉ là một nhà khoa học. Điều đó khiến ông rất thích thú dù có thế khá dị so với lối nghĩ thông thường của xã hội.
Đối với ông, bảo tồn là phải vừa bảo vệ và vừa khiến cho nó tiếp tục tồn tại, lưu truyền ít nhất trong tâm trí hoặc kiến thức của nhiều thế hệ. Đồng nghiệp nể trọng ông nhưng cũng hay trêu ông là “nhà khảo cổ lan man”. Nghe vậy, ông chỉ cười mà bảo: “Khảo cổ và nhất là cổ sinh học thì phải lan man chứ” và lĩnh vực ông lan man sang nhiều nhất gần đây chính là văn hóa.
Có thể ông đã được ảnh hưởng từ gia đình bên vợ cũng là người Hà Nội gốc (ở ngõ cổ bên ngôi chùa Liên Phái trên phố Bạch Mai ngày nay) với bố mẹ vợ là họa sĩ Phạm Văn Đôn – giảng viên Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam và nữ điêu khắc gia Nguyễn Thị Kim (là nhà điêu khắc nữ đầu tiên được trực tiếp sáng tác tượng Bác Hồ đang làm việc tại Bắc Bộ phủ năm 1946). Tuy nhiên, ông không “lấn sân” sang mĩ thuật mà chỉ dừng lại những gì liên quan đến văn hóa truyền thống và đại chúng.
Tâm đắc lời dạy của người xưa về “học ăn, học nói, học gói học mở”, ông đã đặc biệt quan tâm đến chủ đề văn hóa ẩm thực (bao gồm phong tục, lối sống) chứ không phải chỉ là chuyện nấu nướng và ăn uống. Chính vì thế vào năm 1999, ông đã hào hứng tham gia thành lập Câu lạc bộ Ẩm thực Việt Nam với vai trò Trưởng ban Thư ký cùng nhóm của giáo sư Trần Quốc Vượng tại Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Đây là cơ hội để ông nghiên cứu chuyên sâu hơn về văn hóa, nhất là khi đã nghỉ hưu và mọi người đã tặng cho ông danh xưng khá lý thú là “Tiến sĩ Ẩm thực”.
Ông luôn nghĩ ẩm thực là gồm cả khoa học, văn hóa, nghệ thuật của cuộc sống song hành cùng việc ăn uống để sống mang tính đời thường. Vì thế ông hay ví người đầu bếp như một họa sĩ luôn sáng tạo không giới hạn hàng ngày với họa phẩm chính là các món ăn và nguyên liệu của nó. Mỗi “người nghệ sĩ trong bếp” cũng có phong cách, cá tính riêng vô cùng đa dạng và họ cũng nhận ảnh hưởng từ các tầng văn hóa, lịch sử khác nhau. Còn ở vai trò thực khách, ông chú trọng hướng dẫn mọi người vừa tự bảo tồn bản sắc văn hóa riêng của mình, vừa biết cách khám phá và tôn trọng các giá trị của người khác hoặc do lịch sử để lại.
Bảo tồn văn hóa là giá trị gốc của con người ở bất cứ kỷ nguyên nào
Từ “bệnh nghề nghiệp” nên đi đâu ông cũng quan sát kỹ lưỡng, thấy điều gì lạ cũng tìm hiểu và ghi chép tỉ mỉ hoặc quay phim, chụp ảnh lại. Ngoài các tư liệu khoa học chuyên môn, ông còn tích lũy gia tài khổng lồ những câu chuyện thú vị về cuộc sống thực tế xung quanh cũng như hồi tưởng lại ký ức của mình thời tuổi trẻ.
Ông gọi nó là “chuyện đời” hoặc “thói đời” và sẵn sàng kể lại cho bất kỳ ai biết trân trọng kể từ người già tới giới trẻ tuổi teen bằng giọng văn “tưng tửng” như nói đặc trưng của ông. Vì vậy, các phóng viên báo chí thường xuyên tìm đến ông dù ông không màng đến sự nổi tiếng.
Cũng có ý kiến coi Vũ Thế Long là đa nghề quá hoặc ham vui. Nhưng thành thực mà nói rất hiếm chuyên gia có thể “vẫy vùng” trong đa lĩnh vực được như ông. Phong cách của ông luôn rất giản dị đến tự nhiên, sâu sắc và hóm hỉnh, thẳng thắn mà tinh tế dù đang đứng trên bục chủ tọa danh tiếng và trong trường quay truyền hình hoặc hòa đồng bên bè bạn trên hè phố. Phong cách lịch lãm của trai Hà Nội gốc trong ông đã hòa trộn với sự phong trần hoang dã từ đại ngàn sâu thẳm. Ông yêu Hà Nội như một lẽ tự nhiên với quê hương bản quán của mình. Ông gói gọn phần nào tình yêu ấy trong cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời” như một sự tri ân với Hà Nội. Cuốn sách đã được đề cử Giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội” lần thứ 15 vào năm 2022.
Không tham gia kinh doanh ẩm thực nên TS Vũ Thế Long tập trung vào văn hóa trong nghệ thuật ẩm thực, thẩm định, đánh giá và đặc biệt là chia sẻ kiến thức hữu ích cho mọi người qua các bài báo trên tạp chí “Văn hóa Nghệ thuật Ẩm thực” và các báo chí khác để bảo tồn giá trị văn hóa, phong tục và món ăn dân gian truyền thống. Ông tham gia khởi xướng và cố vấn chính cho chuyên mục “Bếp Việt” của Đài truyền hình Việt Nam.
Với vốn kiến thức sâu rộng và phong cách diễn giải thú vị, ông tham gia vào ban giám khảo của các cuộc thi uy tín về ẩm thực tại nhiều nơi. Với vai trò Ủy viên chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022, ông rất tích cực tham gia quảng bá cho ẩm thực Việt Nam ra thế giới như các chương trình dành món phở, món bánh mì, bún chả…). Từ ý tưởng của ông mà quân và dân tại quần đảo Trường Sa đã được thưởng thức hàng nghìn bát phở truyền thống đầy ý nghĩa ngay giữa biển Đông vào năm 2013 và 2016.
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, “tiếng lành đồn xa” nên nhiều bạn bè và du khách quốc tế rất thích thú được nghe ông diễn giải và dẫn đi thưởng thức các món ăn Việt. Đây cũng là cách để ông lan tỏa giá trị của văn hóa Việt Nam ra thế giới cũng như để bảo tồn những điều này không chỉ ở Việt Nam.
Có một điều đặc biệt nữa là dù đã ở độ tuổi ngoài 70 nhưng nhà khoa học Vũ Thế Long vẫn rất hào hứng với việc cập nhật các công nghệ mới của cách mạng 4.0 với sự giúp đỡ từ các bạn trẻ để phục vụ cho việc bảo tồn trực tuyến cả trên không gian internet và các nền tảng mạng xã hội. Vì ông luôn đau đáu về việc “bảo tồn là phải để truyền lại được cho các thế hệ sau”.
Nguồn: Tường Vi – Tuấn Ngọc/https://baophapluat.vn/tien-si-vu-the-long-di-nhan-ha-noi-voi-dam-me-bao-ton-post456825.html
Có thể bạn không muốn bỏ lỡ
Những món ăn nguy hiểm nhất thế giới
Theo Insider thì những món ăn như cá nóc, phô mai giòi, bạch tuộc sống, cá mập lên men… là những thực phẩm có thể
Hội chợ Xuân Giáp Thìn quy tụ hàng trăm đặc sản vùng miền
Hội chợ Xuân Giáp Thìn đã chính thức được khai mạc vào sáng ngày 30/1. Nơi đây quy tụ hàng trăm đặc sản vùng miền
Món ngon Thái Lan, Ấn Độ, Trung Đông… tại Lễ hội Ẩm thực 5 châu
Từ ngày 11 đến 14-5, người dân TP.HCM sẽ được tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa ẩm thực quốc tế khi đến
Xây dựng thương hiệu quốc gia ẩm thực Việt Nam
Theo các nhà văn hóa, cần sớm có sự quan tâm đúng mức từ cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng thương
Bản sắc đặc trung văn hóa Ẩm thực Việt Nam xưa và nay
Văn hóa ẩm thực Việt Nam được hình thành một cách tự nhiên từ quá trình hoạt động sinh sống hằng ngày. Đối với người Việt,
8 đặc sản Bình Dương níu chân khách đến – vừa lòng khách đi
Chỉ cách Sài Gòn gần 1 tiếng di chuyển, Bình Dương là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Ngoài những điểm tham quan