Cua đồng vốn là loại thực phẩm bổ dưỡng, thơm ngon và quen thuộc với nhiều người dân Hải Dương. Cua đồng được chế biến thành rất nhiều món ngon, dân dã, trong đó món lẩu cua đồng đang được nhiều người ưa chuộng.
Dễ làm
Sinh ra, lớn lên ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà), từ nhỏ chị Tiêu Thị Thanh Thảo đã gắn liền với con cua, con cáy. Khi lớn lên, lập nghiệp và sinh sống ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) chị Thảo vẫn nhớ mãi những món ăn dân dã từ con cua đồng. Vì vậy, chị thường xuyên làm những món truyền thống từ cua như canh cua, riêu cua… Gần đây, chị đã tự mày mò chế biến thêm món lẩu cua đồng để đãi gia đình mỗi khi có dịp.
Chị Thảo cho biết cua có quanh năm, được bán nhiều tại các chợ nên mỗi dịp cuối tuần chị lại mua về chế biến. Một lần đi ăn nhà hàng có món lẩu cua đồng rất hấp dẫn nên chị đã học ngay công thức và tự làm. Theo chị Thảo cách làm lẩu cua đồng cũng giống như nấu riêu cua nhưng lẩu cua được ăn kèm với một số đồ nhúng khác (tùy sở thích của mỗi người) như rau các loại, tôm, giò sống, thịt bò…. Cua mua về được rửa sạch bùn đất, tách mai, bỏ yếm, khều lấy gạch riêng ra một bát. Thịt cua được giã nhuyễn hoặc xay, lọc lấy nước. Bước tiếp theo là bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn rồi cho hành khô vào phi thơm, cho cà chua vào đảo đều. Thêm chút đường để tạo màu sánh vàng đẹp mắt rồi cho gạch cua vào đảo tiếp khoảng 5 phút rồi tắt bếp, đổ hỗn hợp ra bát. Sau đó bắc nồi lên bếp, cho nước cốt cua đã lọc vào nồi, thêm gia vị bột canh, mì chính, hạt nêm sao cho vừa ăn rồi đun nhỏ lửa đến khi riêu cua nổi lên trên mặt thì tắt bếp, dùng thìa vớt riêu cua ra để riêng. Vớt riêu cua xong, bật bếp đun nhỏ lửa rồi đổ hỗn hợp cà chua và gạch cua đã xào vào nồi. Để tạo vị thanh, ngọt và mùi thơm đặc trưng của lẩu cua đồng, chị Thảo cho thêm sấu hoặc me, vài cây sả đập dập sau đó đun sôi nhỏ lửa trong 10 phút. Thường gia đình chị Thảo hay chuẩn bị thêm đậu phụ thái miếng rán vàng, hành phi cho vào để nồi lẩu thêm hấp dẫn.
“Nồi nước lẩu đun sôi nhỏ lửa, nhúng kèm với các loại rau như tía tô, xà lách, mồng tơi, rau muống, hoa chuối. Có thể thêm thịt bò, giò sống, tôm sú… rất hợp. Nước lẩu dùng để ăn kèm với bún, bánh đa cũng ngon”, chị Thảo chia sẻ.
Anh Phạm Văn Trọng, Quản lý Nhà hàng lẩu cua đồng Xứ Đông ở đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) cho biết lẩu cua đồng hiện được rất nhiều nhà hàng ở TP Hải Dương chế biến. Ngoài nguyên liệu phong phú, sẵn có ở các vùng Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện… món ăn này cũng đơn giản, dễ làm. Tuy nhiên, mỗi nơi, mỗi người đều có cách chăm chút, nêm nếm gia vị khác nhau để tạo ra những hương vị khác biệt theo sở thích. Để món lẩu cua đạt chuẩn vị thì khâu quan trọng nhất là cua nguyên liệu. Cua phải chọn những con to, đều, chắc, còn sống. Khi giã hoặc xay cua cho thêm chút muối để gạch nổi đều trong lúc nấu. Nước làm lẩu, ngoài lọc từ thịt cua còn được được tinh lọc từ nước ninh xương lợn hoặc thịt gà. Gia vị nêm nếm chủ đạo là muối trắng, mì chính, nước mắm.
Theo anh Trọng, để nồi lẩu cua hấp dẫn, bắt mắt khi chưng gạch cua nhất định phải có cà chua để tạo màu. Nước lẩu cua khi đun cho thêm khế chua hoặc me tươi vào để có vị thanh, thêm đậu rán. Rau dùng để nhúng lẩu của nhà hàng thường là mướp (theo mùa), bầu nạo sợi, rau muống, mồng tơi và một số loại rau gia vị như tía tô, lá hành tươi, giá đỗ, xà lách…
Hút khách
Từ món canh cua, riêu cua truyền thống, giờ đây lẩu cua đồng đã trở thành món ăn khá phổ biến ở cả thành thị và nông thôn. Do nguyên liệu sẵn có nên món ăn này được ưa dùng quanh năm, nhưng phù hợp nhất là vào mùa đông. Giữa tiết trời lạnh, mọi người cùng quây quần bên nồi lẩu cua đồng, thưởng thức món ăn dân dã đậm vị quê. “Nếu nấu canh hoặc riêu thì ăn được rất ít rau nên thi thoảng cuối tuần, gia đình tôi lại tổ chức làm lẩu cua đồng. Cua đồng thơm ngon, hương vị dân dã thân thuộc ăn kèm với đồ nhúng là các loại rau, thịt bò, sụn non, giò sống… rất hấp dẫn”, chị Phạm Thị Biển ở phố Trần Văn Giáp (TP Hải Dương) chia sẻ.
Những ngày mùa đông, thời tiết lạnh, hầu hết các nhà hàng có món lẩu cua đồng đều rất hút khách. Anh Phạm Văn Trọng, Quản lý Nhà hàng lẩu cua đồng Xứ Đông cho biết thêm ngoài món lẩu cua đồng, nhà hàng còn có một số loại lẩu khác như lẩu hải sản, lẩu thập cẩm… nhưng khách đến nhà hàng hầu hết đều chọn lẩu cua đồng.
Anh Đinh Đại Dương ở đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) thỉnh thoảng tới nhà hàng ăn món lẩu cua đồng cho biết lẩu cua đồng thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi khi ăn anh đều bị hấp dẫn bởi vị ngọt thanh của nước lẩu, màu vàng ruộm của gạch cua, mùi thơm của hành phi. Mùi vị dân dã đậm chất quê ấy cứ quấn quýt mãi không thôi.
nguồn: Báo Hải Dương
Có thể bạn không muốn bỏ lỡ
Các nước châu Á đón Tết Trung thu như thế nào?
Tết Trung thu còn được gọi là Tết trông trăng, Tết Đoàn viên. Theo truyền thống Tết Trung thu diễn ra vào ngày 15 tháng
Hương vị ẩm thực Á Đông tại phố cổ Hội An
Kênh thông tin tài chính và kinh doanh số 1 của Ấn Độ Money Control đã chia sẻ về trải nghiệm khám phá hương vị
5 lễ hội ẩm thực tuyệt vời khắp thế giới
No nê với thực đơn dùng thử từ các nhà hàng ngon nhất thế giới, bỏ túi bí kíp làm bếp khi theo dõi các
Tái hiện không gian phở xưa Nam Định tại làng Vân Cù
Từ 10-12.12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi sự
“Câu chuyện ẩm thực” trong phát triển du lịch Việt Nam
TÓM TẮT Ẩm thực là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam, song chúng ta chưa có bước đột phá
Vịt Cổ Lũng tần Sâm Báo món ăn mang đậm hồn cốt xứ Thanh
Với sự kết hợp nhuần nhuyễn các loại nguyên liệu quý của xứ Thanh, món vịt Cổ Lũng tần Sâm Báo được thực hiện bởi