Ốc đá Ninh Bình

Nói đến ốc đá, chắc hẳn nhiều người thấy xa lạ, nhưng với người dân ở xã Yên Thành (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), thì đây không chỉ là món ăn dân dã mà từ lâu nó đã trở thành đặc sản, mang những hương vị riêng của quê hương.

Cứ sau mỗi trận mưa rào, người dân xã Yên Thành lại lần theo những vách đá để bắt ốc đá. Đây là loại ốc thường ăn các loại rong rêu, lá cây, quả, thảo dược trên núi nên thịt ốc ăn có hương vị đặc trưng rất ngon, được coi là đặc sản ở Ninh Bình.

Ốc đá có hình dạng giống như con ốc bươu nhưng mình dẹt, dẹp và nhỏ, cuộn thành nhiều vòng, loại ốc đá này có màu đen tuyền hoặc trắng sữa. Miệng ốc tròn giống hình đồng xu. Con ốc đá thường có vỏ vừa phải, thịt dày, giòn, dai dai với vị ngọt thơm đặc trưng. Những hôm trời nắng, con ốc ẩn mình trong các hang đá, gốc cây, khi trời mưa hoặc đêm tối là ốc đá bò ra ngoài tìm kiếm thức ăn. Đặc biệt, mùa săn con ốc đá bắt đầu từ tháng 5 dương lịch. Khi những trận mưa rào trước mùa hạ sang, ấy là lúc con ốc đá xuất hiện nhiều nhất.

Hấp dẫn món ốc đá Ninh Bình
Hấp dẫn món ốc đá Ninh Bình

Người dân ở đây cho biết, mùa rộ săn con ốc đá chỉ kéo dài trong khoảng 3 tháng, trọng điểm mùa mưa là tháng 5, 6, 7 âm lịch. Kinh nghiệm cho thấy, cứ những nơi sạch, có nhiều cây thuốc quý là nơi đó con ốc đá ở nhiều. Con ốc đá ở những nơi này thường dày ruột, có hương vị đặc trưng do ăn các loại rong rêu, lá cây, quả và thảo dược… vì thế thịt ốc ăn rất thơm ngon, nhiều người ưa thích mua về thưởng thức.

Khi con ốc đá săn từ trên núi rừng về, nếu để nuôi chưa ăn thì người dân thường đổ ra cái bể nhỏ hoặc cái nong rộng. Thỉnh thoảng vẩy cho ốc ít nước và bột ngô làm thức ăn. Tuy nhiên, khi bắt ốc về mà không thưởng thức ngay thì ốc sẽ bị gầy và độ thơm ngon giảm hẳn do không được ăn thảo dược và lá cây. Khi chế biến, chỉ cần nhúng xuống nước ít phút, ốc đang khát nước sẽ mở miệng ra uống, đám lá cây đang ngậm trong miệng cũng được nôn ra cho bằng hết… Sau đó rửa sạch lớp đất cát bên ngoài vỏ là ốc đã sẵn sàng đưa vào sử dụng để nấu ăn.

Ốc đá thường chế biến món nhúng với nước mẻ, khi đun nồi nước mẻ sôi, đập ít củ sả, lá bưởi, ớt cùng các loại gia vị khác… Và cuối cùng cho ốc vào đun sôi tiếp khoảng 3-5 phút là tắt bếp, bắc nồi ốc ra ngoài, nếu để lâu ruột ốc sẽ teo lại. Món nước chấm cũng không cần quá cầu kì, chỉ cần thêm ít gia vị tỏi, ớt và gừng, thêm tí sả băm nhỏ cho vào là có thể thưởng thức cái vị ngòn ngọt, thơm ngon, béo mà không ngậy của món ốc này. Ngoài ra, ốc đá còn nộm với hoa chuối rừng ăn rất béo ngậy, nhấm nháp một chút hoa chuối rừng vị chát, ngọt nhẹ thanh mát, nhấp ngụm rượu nếp cái hoa vàng sẽ mang lại hương vị khó quên.

Du khách đến Ninh Bình trong dịp hè này hãy thưởng thức món ăn ốc đá dân giã đậm chất thôn quê, chắc chắn sẽ để lại ấn tượng không thể nào quên trong lòng du khách gần xa.

nguồn:https://www.congluan.vn/hap-dan-mon-oc-da-ninh-binh-post258453.html

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

Khám phá văn hóa ẩm thực nơi đất mũi Cà Mau

Nằm ở nơi cực Nam Tổ quốc, Cà Mau là miền đất trù phú với rừng già, biển khơi và sông ngòi. Hệ sinh thái

Thưởng thức các món ăn đa dạng tại Tuần lễ Ẩm thực truyền thống Huế

Công chúng được thưởng thức đa dạng các món ăn và tìm hiểu nét độc đáo riêng của ẩm thực các miền qua các màn

Vì sao nhiều người ăn thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ?

Bên cạnh rượu nếp, vải thiều, mận, bánh ú tro…, ở nhiều nơi người dân còn ăn thịt vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Ngày hội Ẩm thực, Văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc tại Hà Nội

Ngày hội Ẩm thực, Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc  sẽ được tổ chức trong hai ngày 26-27/8/2023 tại phố đi bộ Trần Nhân

Tô phở đắt nhất Việt Nam có giá gần 4 triệu đồng

Những nguyên liệu cao cấp như bò Wagyu A5 thượng hạng, gan ngỗng cao cấp, nấm kim cương và vàng lá được kết hợp với

Vĩnh Long lần đầu tổ chức hội thi ẩm thực dành cho homestay

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thi ẩm thực với chủ đề “Đặc sản ẩm thực