Thú ăn của lạ – Tôi ăn thịt Kăng Ku Ru

Như  bản tính của loài người, trên đời này hầu như ai mà chẳng ưa của lạ. Cái gì mới, cái gì lạ, cái gì hay, cái gì tốt bao giờ cũng được  ưa chuộng hơn những thứ cũ mèm và đơn điệu. Tuy thế, ưa các món ăn lạ thì không phải ai cũng có cái thú đó. Nhiều người, hễ thấy món ăn nào lạ thì nếu không dám bịt mũi nhắm mắt thì cũng phải  lảng cho rõ xa. Khác vói họ, tôi  là một trong số những người có cái thú ham ăn của lạ tuy rằng ham cũng chỉ ở mức thường thường thôi. Có những món như chuột non chưa mở mắt tẩm bột rán cho vào mồm vẫn còn nghe tiếng chuột kêu chít chít hay thạch thùng xối mỡ, tuy có người khen ngon, khen bổ nhưng bố bảo tôi cũng khôngdám chạm đũa vào những thực phẩm tột cùng kỳ lạ ấy.

Trên đường đi công tác miền núi, tình cờ có dịp đồng bào săn được thú hiếm, thế nào tôi cũng tìm cách ăn thử một miếng cho biết. Cái lưỡi không đến nỗi quá tầm thường của tôi đã được giao lưu  với khá nhiều thứ thịt  rừng như thịt hươu, nai, sơn dương, cầy cáo, rắn trăn, lợn rừng, voi, hổ, gấu …. ấy là chuyện ngày xưa thôi. Bây giờ, rừng hầu như đã kiệt làm gì còn  thịt voi thịt hổ mà đãi khách. Vả lại, từ khi tôi được giác ngộ rằng những loài động vật rừng tội nghiệp đang bị xóa sổ kia là một bộ phận sống không thể thiếu của hành tinh chúng ta. Chúng là “bạn” của con người. Tôi cũng cạch luôn  chuyện ăn thịt thú rừng dù rằng cũng có dịp người ta mời chọn thực đơn có cả tay gấu, gân hươu… Ai lại đi ăn thịt “bạn bè” bao giờ.

Năm ngoái, tôi được tham gia một nhóm khảo sát thực địa xa Hà nội. Trong nhóm tôi có đủ  thành phần. Đàn ông có, đàn bà có từ khắp các nước tận Mỹ, úc, Niu Zê Lân đến Pháp, Nhật. Theo thỏa thuận của cả nhóm, chúng tôi cùng sống chung trong ngôi nhà vốn là dãy phònglàm việc của ủy ban Xã , kê mấy chiếc giát giừơng, rải chiếu chăng màn  làm chỗ ngủ. Phòng hội trường nhỏ bé với mấy chiếc ghế băng ọp ẹp, cũ kỹ được kê lại để làm bàn ăn. Bận việc phải lăn lội suốt ngày ngoài trời không có thì giờ chợ búa cơm nước nên chúng tôi phải nhờ nhờ bà con trong xã giúp cho việc bếp núc. Tóm lại, chúng tôi thực hiện “ba cùng”. Bà con ăn gì, mình ăn nấy. Các bạn bè tôi bữa nào cũng xuýt xoa khen món ăn Việt Nam ngon. Họ ăn một cách hồn nhiên, vui vẻ. Canh dưa, riêu cá húp sùm sụp. Rau dưa chấm nước mẵm thật đẫm và luôn miệng khen ngon,  lạ miệng. Rau muống luộc chấm tương với đậu phụ rán sốt ai cũng cho là vừa bổ vừa khoái khẩu. 

Trước đây, thời bao cấp tôi cũng có  dịp được đón  vài đoàn khách quốc tế vào làm việc ở ta. Lúc ấy, việc ăn uống đạm bạc, hoà đồng như nhóm chúng tôi bây giờ bị cấm chỉ. Mỗi bữa ăn, chúng tôi phải ăn riêng một phòng, không được  chung mâm với bạn nước ngoài. Việc ăn ở của khách đã có tiêu chuẩn rõ ràng do  giao tế lo. Người ta nghĩ rằng người nước ngoài phải ăn nhiều thịt, phải thế này, thế nọ. Trong con mắt của anh giao tế thì hình như cán bộ, chuyên gia  nước ngoài là những người khác thường. Hễ ăn, uống khác với những thứ mà giao tế đã lo là lăn ra ốm ngay. Vì thế, mỗi khi đoàn ra khỏi thành phố hay  xuống xã là phải đem theo đồ ăn, thức uống riêng. Tối đến là phải về ngủ trong  khách sạn. Nhiều chuyên gia phàn nàn với tôi rằng ban tổ chức cho ăn quá nhiều, quá lãng phí trong khi mọi người Việt Nam còn nhiều khó khăn. Mọi thứ đặt ra là cứ thế mà theo. Ai làm sai quy định trong cái khẩu phần định sẵn là vi  phạm kỷ luật. Vì thế, đã có lần cả đoàn chuyên gia bạn bỏ ăn mặc dù thịt thà thừa mứa, hồi ấy thịt thà ở nước ta quá thiếu mà khách thì rất sợ thịt.  Người ta cứ nghĩ rằng cái gì mình cho là ngon, là qúy  ắt là bạn cũng phải cho là ngon, là qúy nên cứ thế mà nấu nướng, cứ thế mà ép bạn ăn.                          

Bây giờ, việc ăn uống của nhóm khảo sát chúng tôi đã đơn giản hơn nhiều. Thích gì thì ăn nấy. Ăn đến đâu thì mua đến đấy và ai ăn người ấy trả tiền. Không còn cái cảnh ép ăn theo ý muốn của chủ nhà như xưa nữa. Nhiều bạn nước ngoài cũng ưa của lạ như tôi  đòi phải cho thưởng thức các món lạ đặc biệt Việt Nam như thịt chó, mắm tôm. Thậm chí , một ông bạn làm khoa học Mỹ cứ nằng nặc đòi phải có đủ cầy tơ bảy món mới chịu.

Trong đợt công tác này, mỗi bữa ăn, chúng tôi lại có dịp giới thiệu và chỉ dẫn cho các bạn về món ăn và cách ăn Việt Nam. Từ cách bưng bát, cầm đũa, xới cơm, chan canh ra sao, bóc bánh nếp thế nào cho khỏi dính lá, dính tay, bẻ quả chuối tiêu sao cho lịch sự như phong tục của người Việt, cho đến cách làm nem rán, trộn nộm, pha nước chấm , hãm ấm trà nóng… Mỗi bữa ăn là một buổi giao lưu văn hóa. Với các bạn, mỗi bữa ăn lại có thêm nhiều điều mới lạ. Nhiều món ăn bình dân của ta nhưng  lần đầu tiên được nếm, được biết nên ai ai cũng thích thú. Chúng tôi ăn uống, trao đổi trò chuyện với nhau trong bữa ăn một cách bình đẳng, dân chủ và thân mật.

Bữa chia tay lần ấy, Chị Lyndore Người Uc, một trong số những người ham thích các món ăn lạ hỏi tôi : lần sau tôi sang đây , anh thích món ăn nào của Uc, tôi sẽ đem sang? Tôi nào đã đến Uc bao giờ mà biết. Thỉnh thoảng xem ti vi thấy cảnh nước Uc có loài thú lạ là những chú Kăng ku ru. Tôi nói đùa : “Nhớ mangcho tôi mấy cân thịt Kăng ku ru nhé “. Chẳng biết người úc có ăn thịt Kăng ku ru hay không. Trông con vật kì dị có đôi chân sau dài lênh khênh, đôi chân trước ngắn cũn cỡn với cái đuôi khổng lồ quật tanh tách xuống đất  và cái từ miệng cái túi  trước bụng con vật thò ra chiếc đầu nhỏ tý với đôi mắt ranh mãnh của chú Kăng ku ru con, tôi nghĩ chẳng ai ăn thứ vật kỳ dị này. Nghe nói khi những người Anh đầu tiên đặt chân lên xứ sở  này, thấy vật lạ, họ cất tiếng hỏi  bằng tiếng Anh ” Con này là con gì ?” . Người  bản xứ  ngớ ra vì  không hiểu họ hỏi gì và trả lời bằng thổ ngữ :”Kăng Ku ru , Kăng ku ru ” Những người Anh liền cẩn thận ghi tên này vào sổ và từ đó họ gọi con vật là Kăng ku ru. Sau này người ta mới biết rằng Kăng ku ru chỉ có ngĩa là “tôi không biết ” theo tiếng của thổ dân mà thôi.

Dăm tháng sau, tôi đang ngồi làm việc tại cơ quan, bỗng chuông điện thoại réo. Một giọng tiếng Anh lạ bên đầu máy. Thì ra, anh Mark, chồng chị Lindore vừa từ Uc sang. Sau những câu hỏi thăm xã giao thông thường, anh Mark giục tôi đến ngay khách sạn để nhận qùa của vợ anh gửi. Anh vừa từ Úc ghé qua Hà Nội và lại phải đi ngay. Tôi vội vàng phóng đến khách sạn. Anh đưa tôi một gói bọc trong giấy báo sờ lạnh toát như có cục nước đá bên trong. Anh dặn : “Đây là quà nhà tôi gửi biếu anh . Trước khi đi nhà tôi dặn rằng xin anh cứ nhận cho nhưng về nhà mới được mở “. Tôi băn khoăn không hiểu đây là thứ quà gì vì theo phong tục Âu Mỹ, hễ được tặng quà là bao giờ cũng mở ra liền và bao giờ cũng khen liền. Vậy mà lần này chị Lyndore lại phá lệ , vì sao?

Về nhà, mở gói giấy ra, bên trong có hai túi nilon to gấp đôi gói mỳ ăn liền dán kín với những dòng chữ Anh cùng nhãn hiệu của hãng sản xuất. Trong túi có vật gì cưng cứng màu hồng hồng. Đọc kỹ những dòng chữ trên túi tôi giật mình . Chết cha!  thịt Kăng ku ru thật ! Tôi cứ ngỡ người ta chẳng bao giờ ăn thịt con vật này, nghe nói bên Uc người ta làm thịt Kăng ku ru đóng hộp chỉ để bán sang châu Âu châu Mỹ làm thức ăn cho chó. Thế mà dòng chữ trên túi ghi rõ ràmh rành : Thịt Kăng ku ru này được nuôi dưỡng bằng những thứ cỏ sạch, nhiễm thuốc trừ sâu, phân hóa học. Thịt chứa rất ít chất cô lét stê rôn nên ăn rất có lợi cho sức khoẻ. Ngỡ ngàng cầm trong tay hai gói thịt,  chợt nhớ ra một điều là tôi quên bẵng  không hỏi anh Mark xem cách chế biến nó ra làm sao ? Vả lại, anh Mark có cho tôi mở gói quà ra đâu mà biết chuyện cần phải hỏi.

Có được thịt lạ , không biết nấu nướng thế nào mà ăn. Tôi  hỏi  mọi người xem nên nấu nướng thế nào . Người khuyên thử nấu như nấu giả cầy xem sao ? ở  ta, nhiều thứ thịt rừng người ta đem nấu giả cầy khiến cho vị thật của nó chẳng ai biết. Rốt cuộc ăn thịt thú rừng mà lại cũng như thịt chó. chẳng còn biết vị nó ra sao cả. Tôi phản đối: không nấu giả cầy. Người thì nói căng cu ru là loài chuột túi. Họ bảo chuột là chuột, có túi hay không có túi thì cũng là chuột cả . Thế thì cứ luộc lên rồi ép giữa hai cái thớt cho ráo nước. Khi ăn thì rắc tí lá chanh rồi chấm nước mắm như người ta vẫn làm cỗ thịt chuột ấy. Tôi chưa được ăn cỗ thịt chuột bao giờ nên cũng không biết ăn như vậy có được không. Vả lại, tôi không đồng ý rắc lá chanh vào thịt căng cu ru vì nói như một nhà ẩm thực học thì “cho cái vị này vào nó ám sát cái vị kia đi”. Tôi không muốn món thịt căng cu ru của tôi bị “ám sát” bởi  vị lá chanh Việt Nam. Chẳng ai khuyên tôi ăn Kăng ku ru sống cả vì ăn sống cầu kỳ lắm. Thịt sống mà không biết cách làm ăn vào  ngộ độc như chơi. Tôi không chơi dại, chẳng ăn thịt Kăng ku ru sống. Vậy phải nấu nướng thế nào chứ ? Làm thế nào để mà ăn cho nó biết. Cuối cùng, tôi đành chọn cách sào như kiểu ta sào thịt bò.

Bữa tiệc Kăng ku ru của tôi hôm ấy thật linh đình vì tôi muốn dâng món thịt qúy lạ lên vị giáo sư của chúng tôi tôi nhân  sinh nhật người. Theo tục lệ của cánh học trò chúng tôi. Hàng năm, cứ đến ngày song thập là ngày sinh của ông, mỗi học trò chúng tôi dều mang đến nhà thày một món gì đặc biệt và cùng thày thưởng thức trò chuyện. Đồ uống đã có thày lo. Năm ấy, món Kăng ku ru bày ra. Chúng tôi mỗi người đều gắp  vài đũa. Người nói nó giống thịt bò, kẻ bảo nó cũng như thịt chuột. Người lại nói nó hoi hoi, gây gây. Còn tôi, tôi chẳng biết nói thế nào cả. Nếu có ai hỏi tôi : thịt Kăng ku ru  có vị thế nào hở anh ? Tôi chỉ có thể trả lời : Nó có vị “Kăng ku ru !”.

Viết thêm: Mấy tháng trước đây, có dịp ghé qua Thành phố Hồ Chí Minh nhân lúc thành phố đang rộn ràng tổ chức tiến tới kỷ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn. Tôi bỗng giật mình thấy ở một số nơi người ta đã mở những cửa hàng đặc sản bán món Kăng ku ru. Bận quá và túi cũng lép nên tôi cũng chưa có dịp ghé vào thưởng thức. Nếu qúy bạn nào muốn biết thịt căng cu ru ra sao, nấu nướng thế nào xin hãy tìm đến những nhà hàng trên sẽ thỏa được cái thú thèm của lạ của mình. Thì ra, người Việt Nam ta và nhất là dân nhậu Sài Gòn cũng là những tay ưa của lạ và sành của lạ phải không các bạn ?

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

Món Lạp của dân tộc Thái

Lạp là món ăn của dân tộc Thái ở Tây Bắc nước ta. Đây là món nộm với nguyên liệu được làm từ các loại

Hội chợ Xuân Giáp Thìn quy tụ hàng trăm đặc sản vùng miền

Hội chợ Xuân Giáp Thìn đã chính thức được khai mạc vào sáng ngày 30/1. Nơi đây quy tụ hàng trăm đặc sản vùng miền

Gà đốt Ô Thum – Tri Tôn, An Giang

“Hồ Ô Thum” thuộc xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, An Giang như một bức tranh sơn thủy hữu tình, một khung cảnh thiên nhiên

Nhà hàng 1946

Nơi lưu giữ nét ẩm thực Hà Nội truyền thống trong suốt những năm tháng hiện đại Đến với nhà hàng 1946 bạn sẽ tìm

Đặc sản Tam Đảo

Được người dân ví như “Đà Lạt đất Bắc”, ngoài thu hút khách du lịch bởi nhiều cảnh đẹp và con người thân thiện, Tam

Đồng Tháp: Công nhận nghề làm nem Lai Vung là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

Nem Lai Vung được người dân tại xã Tân Thành, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện