Tương bần thuở hàn vi

Sắp đầy đủ nguyên liệu cá, chuối, riềng, nghệ và chút thịt ba chỉ vào nồi, tôi ra sau nhà lấy chai tương từ quê mẹ gửi lên để ướp cho món cá kho. Bao năm rồi, dù ở thành phố không thiếu, nhưng tôi vẫn muốn ăn tương quê mình, vừa dân dã, vừa đậm đà hương vị riêng mà ít nơi nào có được.

Ngày ấy, ở quê tôi hầu như nhà nào cũng làm tương ăn chứ không phải ra chợ mua như bây giờ. Mọi người thường làm tương từ tháng 3 đến tháng 10 Âm lịch để ăn gối vụ đến năm sau. Bà nội tôi vẫn bảo, các cụ dạy “Tháng sáu máu rồng” ý nói tương ngon nhất là làm vào tháng 6 Âm lịch. Vì vậy, năm nào bà và mẹ cũng chọn thời điểm này để bắt đầu mẻ tương mới.

Được truyền nghề từ bà nội, sau chục năm làm dâu, mẹ tôi đã thành thạo các quy trình làm tương, từ chọn gạo nếp làm mốc tương, đến rang đỗ, đánh mốc, ngả tương. Tôi vẫn nhớ như in cạnh gốc mít mật ở sân giếng là vị trí mẹ đặt mấy chum tương phủ rơm khô trát kín miệng rồi bọc giấy bóng bên ngoài. Vài tháng sau, tương được ăn cũng là lúc thời tiết vào Đông.

Tương do bà và mẹ tôi làm có màu vàng sẫm mật ong, rót ra sánh đặc, dậy lên mùi thơm và khi nếm có cảm giác bùi, đậm xen lẫn vị ngọt. Tương được mẹ sử dụng để chế biến nhiều món ăn cho cả nhà. Mùa Đông những năm nghèo khó, món “truyền thống” của nhà tôi là ngọn rau lang luộc chấm tương gừng, tỏi dập nhỏ.

Lúc khan hiếm rau, duy nhất trên mâm cơm của cả nhà là bát tương dầm lạc rang nhưng chẳng ai bảo ai, mọi người đều vui vẻ xúc ăn ngon lành. Ngày ấy vất vả, thiếu thốn đủ mọi thứ nên với chị em tôi, khi có bữa ăn thịnh soạn là hôm mẹ “hoang phí” lấy vài quả trứng gà đánh tan cùng mấy thìa tương trộn cùng nước cơm rồi hấp trong nồi cơm. Hay đôi phiên chợ, mẹ bán được vài chục mớ rau lợn hoặc buồng chuối, mua mấy bìa đậu phụ về rán chiêu đãi cả nhà. Bữa đó không thể thiếu bát tương gừng dầm ớt chấm đậu mà chị em tôi tấm tắc khen ngon, mặc dù vị cay làm bỏng cả đầu lưỡi.

Tương bần thuở hàn vi – gia vị cuộc sống dân dã đã theo chị em tôi lớn lên, trưởng thành. Càng xa quê, tôi càng nhớ và yêu hơn dáng bà và mẹ lam lũ, cũng không quên hương vị tương đậm đà tình thân năm nào.

nguồn:https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202401/tuong-ban-thuo-han-vi-65805b1/

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

Thoảng nghe mùi tết

Trong muôn vàn câu chuyện để nói về ngày tết, người ta dễ nhận diện và chộn rộn mỗi khi thấy cành mai, chậu cúc,

Bát canh cua đồng

Bát canh cua nóng nảy, thơm lừng mùi cua đồng tháng 6, mùi rơm rạ vừa gặt, mùi rau nhút ao làng, và một thứ

Món ngon tạo nên nét đặc trưng của ẩm thực Hà Nội

Thủ đô Hà Nội với 36 phố cổ cùng những nét văn hoá ẩm thực lâu đời chưa bao giờ khiến thực khách gần xa

Trứng kiến, món độc lạ của núi rừng Lục Ngạn

Cuối tháng hai, đầu tháng ba âm lịch bắt đầu vào mùa trứng kiến. Trứng kiến là món ăn lạ và ngon, nhưng không phải

Đại hội Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nhiệm kỳ 2022 – 2027

Với phương châm “Tôn vinh truyền thống – Kiến tạo tương lai”, Đại hội là một sự kiện chính trị đặc biệt làm nền tảng

“Câu chuyện ẩm thực” trong phát triển du lịch Việt Nam

TÓM TẮT      Ẩm thực là một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam, song chúng ta chưa có bước đột phá