Má nói nhớ cơm cháy quá. Hồi đó mình toàn nấu bằng củi, bằng rơm, có khi còn nấu bằng vỏ trấu, mạt cưa nên cơm ngon lắm! Nhất là cơm cháy cứ vàng ươm và giòn rụm. Chan một ít mỡ hành lên, hoặc đơn giản là phết một chút muối ớt lên dề cơm cháy rồi cuộn lại, cắn một miếng. Cay cay, béo béo thơm thơm mùi củi lửa, mùi rơm rạ… Ôi, thật là cả trời quê hương gói trong dề cơm cháy! Bây giờ, cái gì cũng dựa vào máy móc, vào điện đùng… muốn có cái ấm nước “hôi khói” cũng không được, muốn ngửi mùi cơm cháy cũng không ra.
Tôi biết câu “người trẻ sống bằng tương lai, người già sống bằng ký ức” nên không cãi má. Dù rằng những vật dụng gia đình mà má gọi là “cái gì cũng dựa vào máy móc” này, tôi cũng phải lao động vất vả mấy năm trời mới có thể sắm sửa cho nhà cửa đầy đủ.
Mấy hôm nay má tôi bệnh. Mấy chứng bệnh người già như thấp khớp, cao huyết áp, trúng gió, mất ngủ… Thuốc mua đầy bàn, thức ăn trữ ngập tủ lạnh nhưng đi làm về cứ thấy nồi cơm y nguyên, rau cá chưa vơi miếng nào. Má than lạt miệng. “Lạt thì ngậm xí muội. Má toàn làm khổ con cái… đi làm mà cũng không yên tâm nữa là!”. Má nhỏ giọng phân bua rằng ở nhà một mình buồn nên không muốn ăn. Giá mà như hồi trước còn ở quê, bẻ trái khế đâm giập nấu với tép rong, nêm thêm mấy ngọn tần dày lá. Ra ruộng xúc mớ cá con về kho sả nghệ, nấu thêm nồi cơm củi ngập cơm cháy chắc là ngon miệng lắm!!!
Tôi cười ồ, má ơi là má, cái “hồi trước” của má cách đây hơn một phần tư thế kỷ rồi. Con bây giờ tóc đã lấm tấm màu nắng, má thì tay yếu chân run rồi. Má lặng im tặc lưỡi…
Vậy rồi… trưa nay má đón tôi bằng nét mặt vui tươi nhưng cơ thể toát ra mùi gì quen mà lạ lắm! Má bảo tôi vào ăn cơm cho nhanh. Tôi chưa cầm chén, má đã và lấy và để rất ngon lành. Tôi lạ lẫm nhìn, sao nồi cơm hôm nay không là cơm điện quen thuộc mà là cái nồi nào lạ hoắc còn ám màu đen đen vậy má? Má như mắc nghẹn khi tôi chăm chăm nhìn vào chiếc nồi cơm đang bày trên mớ giấy báo “Trời ơi má! Cái nồi cơm điện… má làm gì nó vậy?”. Tôi mở vung nồi, lớp cơm cháy vàng ươm đã được má xới lên úp sẵn trên mặt lớp cơm trắng. Hèn nào… mùi trên người má là mùi khói mà tôi quên. Má ấp úng: “Tại má… thèm cơm cháy quá… hôm nay ra đầu hẻm thấy có chỗ bán củi nên mua một bó về nấu cơm… Mà nhà mình không có cái nồi cũ nào nên má lỡ…”.
Tôi không khóc mà sao nước mắt cứ tự nhiên tuôn. Nhìn má lóng ngóng với nồi cơm cháy, nghe má phân trần cho “lỗi” hôm nay tôi thấy mình mới chính là người có lỗi. Rồi tôi đi làm món mỡ hành để chan lên dề cơm cháy của má, rắc thêm tí muối ớt đỏ tươi vừa đâm để cả gian nhà thơm ám mùi ớt, mùi tỏi, mùi khói, mùi hành trong buổi trưa tháng sáu trời đang chuyển mưa vần vũ.
Hai mẹ con tôi đã ăn tới miếng cơm cháy cuối cùng, no mà vẫn còn thòm thèm. Tôi tự hứa với lòng sẽ cố gắng dành thời gian mang niềm vui đến cho má nhiều hơn từ những bữa ăn giòn tan mùi khói.
ĐÀO PHẠM THÙY TRANG
Nguồn: Báo Đà Nẵng
Có thể bạn không muốn bỏ lỡ
Kinh doanh ngành F&B và những xu hướng công nghệ thay đổi tương lai
FnB là một thuật ngữ vô cùng phổ biến trong ngành dịch vụ ăn uống và thực phẩm, có tốc độ tăng trưởng ngày càng
Một số giải pháp phát triển ẩm thực cho ngành du lịch Việt Nam vươn tầm quốc tế
Theo Tổng cục Du lịch, ẩm thực là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên chất lượng và thương hiệu du lịch nhằm thu hút khách,
Hải Dương: Những quán chè mang ký ức tuổi thơ
Đi qua phố Trương Mỹ (TP Hải Dương) nếu để ý một chút sẽ thấy 4 hàng chè san sát, cách bày trí cũng nhang
Triển lãm “Vùng nào thức nấy”: Bức tranh ẩm thực vùng miền Việt Nam qua tranh minh họa
Triển lãm tranh “Vùng nào thức nấy” tạo nên từ 41 đặc sản địa phương với sự tham gia của 36 họa sĩ minh họa
Độc lạ món sỏi xào ở Trung Quốc
Gần đây, một video "đá cuội xào, 16 nhân dân tệ một suất" được lan truyền trên mạng và thu hút sự chú ý. Ở
Vì sao người Trung Quốc coi trọng việc ăn cá đầu năm mới?
Người Trung Quốc cho rằng cá là món tượng trưng cho sự an khang, thịnh vượng và sung túc nên không thể thiếu trong bữa