Thịt chua – món ăn cầu kỳ của người Dao Đà Bắc

Nếu thịt chua của Phú Thọ làm xong 3 ngày được ăn thì thịt chua của người Dao Tiền ở bản Sưng (Đà Bắc – Hòa Bình) cần đến 3 năm. Đây là món ăn mà chỉ cần nghe kể thôi, bất cứ thực khách nào cũng muốn thử một lần trong đời, bởi sự kỹ lưỡng trong chế biến đã tạo nên những hương vị khó quên.

Món thịt chua luôn có mặt trên mâm cỗ của người Dao vào các dịp lễ, tết

Thịt chua của người Dao Tiền được làm từ thịt lợn sạch nuôi thả tự nhiên trong làng. Lợn chỉ ăn gạo, cám, ngũ cốc, rau quả nên đảm bảo sạch, có vị thơm, ngon. Và lợn nuôi phải đủ lâu để phần mỡ bao giờ cũng nhiều hơn phần nạc thì đạt chuẩn. Người ta thường lựa miếng có 9 phần mỡ, 1 phần nạc, rửa sạch, thái lát, chìa lại riềm chừng 2 – 3mm, rắc muối vào các mặt của miếng thịt, sau đó xếp vào vại sành, đậy kín để tránh tiếp xúc với không khí bên ngoài.

Điểm đặc biệt trong cách làm thịt chua của người Dao ở Đà Bắc là dùng cơm thay vì dùng các loại men lá để ủ chua. Sau khi thịt ngấm muối, người Dao nấu một nồi cơm lớn, khi cơm chín, lấy cơm rải một lượt thật dày đến miệng vại, đậy nắp, ủ kín cùng thịt một năm. Đủ thời gian, dỡ thịt ra, phủi sạch cơm bám vào, lại xếp thịt vào vại, ủ một lượt cơm nóng mới lên. Tiếp tục ủ một năm rồi lại bỏ ra, phủi sạch cơm, xếp vào vại, ủ một lần cơm mới nữa. Làm đúng 3 lần như vậy, sau khoảng ba năm có thể lấy thịt ra ăn. Nhưng theo người dân, thịt càng ủ lâu càng ngon, có nhà đã ủ thịt đến 10 năm. Cơm ủ sẽ tạo thành mẻ, khiến thịt có vị chua đậm vị nhưng vẫn ngọt và thơm.

Theo anh Triệu Văn Tuấn, người xóm Sưng: “Theo tiêu chuẩn, thịt sẽ ủ cùng cơm chừng 1 năm thì thay lượt cơm mới. Nhưng cũng có thể thay cơm 6 tháng 1 lần. Nếu chăm chỉ thay cơm, thịt sẽ nhanh chín hơn”.

Rượu hoẵng thường được thưởng thức kèm với món thịt chua

Tuy chế biến cầu kỳ, nhưng mỗi vại thịt nếu đã dỡ ra phải ăn hết trong vòng 1 tuần, để lâu hơn sẽ hỏng. Bởi thế, thường người dân làm mỗi vại từ 20 – 30kg và thường chỉ dùng mỗi dịp lễ, tết hoặc đám cưới, hỏi.

Món thịt chua khi chín có thể cảm nhận bằng mùi vị và màu sắc. Khi mở chum, mùi thơm của thịt với mẻ hòa quyện vô cùng hấp dẫn. Miếng thịt săn lại, quện mẻ là đạt yêu cầu. Miếng thịt chín chuẩn có vị béo ngậy, thơm, vừa ăn, không quá mặn. Phần mỡ giòn, phần nạc dai và đậm vị hơn. Người Dao thường ăn thịt chua với lá lốt tươi hoặc các loại rau rừng để tăng hương vị.

Vì vậy, nếu đến bản Sưng – Đà Bắc được ăn món thịt chua của người Dao Tiền ở đây, du khách chắc chắn sẽ cảm thấy mình là một thực khách may mắn. Vị thơm mùi tự nhiên của thịt, miếng mỡ chua ngậy mà giòn ngọt quyện men gạo ngấu, ăn cùng lá mơ rừng, tất cả tạo nên một món ăn đượm màu thời gian mà thực khách khó lòng gặp lại ở một nơi chốn khác.

Anh Triệu Văn Tuấn cho biết, trước kia người bản Sưng thường ủ thịt trong những chum lớn, với lượng thịt nhiều, chủ yếu phục vụ các dịp lễ lớn. Nhưng ngày nay, để tiện cho việc phục vụ nhu cầu sử dụng thường ngày và làm món ăn giới thiệu với du khách, các hũ thịt chua trong nhiều gia đình đã được làm lượng ít đi và đựng trong các chum nhỏ hơn, tiện cho việc bảo quản và thưởng thức.

Khách đến xóm Sưng của người Dao ở Đà Bắc, ngoài món thịt chua, đừng quên thưởng thức thức uống nổi tiếng khác là rượu hoẵng. Nếu thịt chua ủ 3 năm mới được ăn, thì rượu hoẵng uống xong, đi ba cây số mới ngấm và say. Đồ ăn và thức uống ở nơi đây, vì thế, nếu một lần thưởng thức sẽ khó lòng nguôi quên.

Xóm Sưng (thuộc xã Cao Sơn) là một điểm tham quan du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Đà Bắc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa của người Dao Tiền: viết thư pháp, các lớp học chữ viết của người Dao, dệt vải, thêu tay… Vì đậm tính bản địa, nên khách du lịch đến xóm Sưng có đến 70% là người nước ngoài (chủ yếu là người châu Âu). Xóm Sưng cũng trở thành bản làng người Dao đầu tiên chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp thuần tuý sang làm du lịch. Các hoạt động nông nghiệp như cấy lúa, trồng rừng, nấu ăn, bắt cá trên sông đều trở thành sản phẩm du lịch được du khách yêu thích.

Nguồn:https://www.vtr.org.vn/thit-chua-mon-an-cau-ky-cua-nguoi-dao-da-bac.html

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

Dim Tu Tac Estella Place

Với view đắt giá “thu trọn” một góc nhỏ TP.HCM của Dim Tu Tac Estella Place, thực khách có thể thư giãn, đắm mình trong

Người giữ gìn nghề nấu rượu truyền thống Bằng Phúc

Từ lâu, làng nấu rượu truyền thống Bằng Phúc (Chợ Đồn) nổi tiếng với rượu men lá thơm ngon. Anh Đàm Văn Bốn ở thôn

Mâm cỗ Tết “Sài Gòn kết nối” tại Lễ hội Tết Việt 2024

Lễ hội Tết Việt năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 18 – 21/1/2024 tại công viên Lê Văn Tám, TP Hồ Chí Minh với

Chè sạch “Cô Lý Farm”

Dù đã gần 60 tuổi nhưng bà Lê Thị Lý (tổ 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn quyết tâm

Thơm ngon gà nướng Trường Sơn

Trên cung đường khám phá vẻ đẹp vùng cao xứ Quảng, ngoài sự cuốn hút bởi quang cảnh hùng vĩ, ẩm thực cũng góp phần

Khám phá món bánh ép Huế độc nhất tại làng đại học

Giữa làng đại học nhộn nhịp cuộc sống sinh viên có một góc nhỏ mà ít ai biết đến, nơi duy nhất giữ gìn và