Vọng lời rao “ai đậu hũ không”…

Ở vùng thung lũng này, buổi chiều mùa đông, sương lạnh mịt mù, đặc quánh phủ trắng núi đồi. Trong cái lạnh quấn lấy mình, vọng lại tiếng rao “ai đậu hũ không…”. Ngó quanh quất tìm nơi có tiếng rao; tôi dừng xe, sà ngay lại gánh đậu hũ của cô bán hàng.

Tô đậu hũ đường đen ngày mưa lạnh. Ảnh: MINH TÂM
Tô đậu hũ đường đen ngày mưa lạnh. Ảnh: MINH TÂM

Đặt quang gánh ngay ngắn, cô bán hàng mở thùng rồi múc từng miếng đậu hũ mềm mịn vào tô, thoăn thoắt giống bà Ba bán đậu hũ ở xóm tôi ngày trước. Thời ấy, nói tới đậu hũ bà Ba con nít cả xóm ai cũng biết và thèm thuồng.

Tôi vẫn nhớ như in, đôi quang gánh trĩu vai bà Ba, một bên là chiếc giỏ tre đan đựng hũ sành chứa đậu hũ, một bên là mủng cái với ngăn nắp tô, muỗng và nồi nước đường thơm lừng. Hồi ấy, cứ nghe tiếng rao “ai đậu hũ không?” của bà Ba là đám con nít trong xóm xin tiền ba mẹ, chạy ù ra vây lấy gánh đậu hũ.

Cái vá múc đậu bằng nhôm, được gò thủ công với hình dáng tròn tròn, mỏng như chiếc lá. Từng miếng đậu hũ trắng, mềm mịn được múc vào tô, bọn con nít ngồi chồm hổm đợi tới lượt mình nhao nhao xin thêm nước đường. Mùi đường như thơm cả giấc mơ.

Cứ độ chiều chiều, tô đậu hũ bà Ba lúc ấy là thức quà vặt gần như duy nhất và ngon đến lạ lùng. Từng miếng đậu hũ béo ngậy, mềm, tan ra trong miệng quyện với nước đường đen thắng gừng ngọt thanh, ấm nồng. Kể cả ăn xong thì vị béo của đậu hũ và mùi thơm sực nức của nước đường vẫn còn dư vị nơi đầu lưỡi.

Nghe người lớn nói, đậu hũ bà Ba mềm, thơm béo một cách tự nhiên bởi khi nấu bà chọn đậu nành, xay và lọc rất kỹ để giữ màu trắng tinh, nấu nguyên chất không pha để đậu mềm “núng nính”. Cộng thêm bí quyết gia truyền của bà nên đậu lúc nào cũng ngon, múc không bị nát.

Đặc biệt, đậu bà Ba được đổ vào hũ sành nên luôn nóng hổi và tăng độ thơm ngon, hấp dẫn. Nồi nước đường được thắng từ đường tán quê nên màu vàng óng, sóng sánh, ngọt thanh, ngào ngạt mùi đường mía. Thêm chút gừng vừa tạo mùi thơm đậm vừa ấm nồng ngày trời trở lạnh.

Chồng mất sớm, bà Ba tảo tần với gánh đậu hũ nuôi ba đứa con khôn lớn. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn trên từng hẻm đất quanh co không quản nắng mưa. Bà Ba giờ đã về miền mây trắng. Và cái dáng lưng khòm trĩu gánh đậu hũ với tiếng rao lẩn khuất trong ngõ xóm của bà thành “di sản” với bọn trẻ chúng tôi.

Bây giờ ở quê các quán ăn vặt có thêm món tàu hũ Singapore, tàu hũ lạnh có nhiều vị ăn kèm với các loại topping như trân châu, sầu riêng, trà xanh và trở thành món ăn vặt yêu thích của nhiều bạn trẻ. Thế nhưng đậu hũ đường đen vẫn là món ngon truyền thống được nhiều người chọn.

Chiều nay, dừng lại thưởng thức tô đậu hũ ven đường, nghe mấy cô ăn cùng râm ran chuyện trò, tôi tìm về hương vị của những ngày thơ bé. Ngồi vây quanh quang gánh, sống chậm lại sau một ngày tất bật với công việc…

nguồn: Minh Tâm – Báo Quảng Nam (https://baoquangnam.vn/huong-sac-que-nha/vong-loi-rao-ai-dau-hu-khong-154624.html)

View all posts

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

Hồng quân – đặc sản của vùng Bảy núi

Hồng quân là loại cây phù hợp với vùng đất cao, nhất là đất núi có khí hậu mát mẻ và đêm có sương mù.

Về miền Tây, ăn ốc gác bếp

Ốc gác bếp là món ăn không xa lạ với người miền Tây. Từ món ăn dân dã, “để dành”, ốc gác bếp trở thành

Đi tìm những giả thuyết về nguồn gốc phở Hà Nội

Phở là đề tài hấp dẫn, thôi thúc nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu từ

Tại sao các nhà hàng được gắn sao Michelin lại nổi tiếng khắp thế giới nhưng lại không được ưa chuộng tại Trung Quốc?

Đạt được sao Michelin là vinh dự của nhiều nhà hàng trên thế giới, tuy nhiên những nhà hàng này lại không nổi tiếng tại

Kết hợp giữa bánh trung thu và trà sao cho tinh tế?

Thưởng thức bánh trung thu cùng với uống trà là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Tuy nhiên, tùy từng

Vĩnh Long lần đầu tổ chức hội thi ẩm thực dành cho homestay

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thi ẩm thực với chủ đề “Đặc sản ẩm thực