Hồng quân – đặc sản của vùng Bảy núi

Hồng quân là loại cây phù hợp với vùng đất cao, nhất là đất núi có khí hậu mát mẻ và đêm có sương mù. Tại An Giang, hồng quân được trồng rải rác trên núi Dài, núi Cấm, núi Cô Tô… nhưng nổi tiếng nhất là ở núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn).

Núi Dài Năm Giếng (thuộc ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên) cao khoảng 265m, nằm đối diện với núi Ông Két (Anh Vũ Sơn). Dọc theo triền núi có một con đường bê tông dẫn tới Điện Bà, còn gọi là Vồ Đầu. Tại đây, khách du lịch và người hành hương thường lui tới để tham quan và thưởng thức trái cây rừng.

Theo người dân địa phương, nơi đây được gọi là núi Dài Năm Giếng vì trên đỉnh núi có 5 giếng nước nhỏ với nhiều huyền thoại từ xa xưa. Ngoài ra, Ngũ Hồ Sơn còn có nhiều loại cây trái đặc sản như xoài, vú sữa… trong đó nổi tiếng nhất là trái hồng quân.

Hồng quân trồng trên núi Cấm cho thu hoạch mỗi năm một mùa kéo dài khoảng 2 tháng – Ảnh: Thanh Tiền

Ông Nguyễn Văn Bồi (xã An Phú, huyện Tịnh Biên) cho biết, trái hồng quân Ngũ Hồ Sơn có vị ngọt thanh hơn hồng quân ở núi Cấm nhờ đất cát và thổ nhưỡng thích hợp.

“Nhà tôi hiện có 200 cây từ 3-5 năm tuổi đang cho trái, giá bán dao động từ 10.000-20.000 đồng/kg tùy theo mùa vụ. Hồng quân là cây rừng nên phát triển rất mạnh, không cần đến thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật. Cây càng lâu năm thì năng suất càng cao. Cây trưởng thành năng suất có thể đạt 150kg/vụ. Hàng năm cây ra hoa từ đầu mùa mưa, trái bắt đầu chín từ tháng 8 và kéo dài đến qua Tết. Tuy nhiên, cũng có một vài cây ra bông muộn cho trái nghịch mùa vào tháng Ba, tháng Tư”, ông Bồi nói.

Trái hồng quân khi chín chuyển sang đỏ nhạt rồi đỏ sẫm, có vị chua ngọt – Ảnh: Tô Văn

Người thứ hai trồng hồng quân nhiều nhất trên đỉnh núi Cấm là ông Nguyễn Văn Phước (ngụ ấp Vồ Bà, xã An Hảo). Gia đình ông Phước trồng 10 cây hồng quân xen với vườn cây ăn trái. Theo ông Phước, hồng quân có thể trồng bằng hạt, sau 5-6 năm sẽ cho trái vụ đầu tiên.

“Hồng quân mùa nắng không cần tưới nước, chúng rụng hết lá như ngủ đông rồi tới mùa mưa ra lá non, đơm hoa, kết trái”, ông Phước chia sẻ.

Cũng theo ông Phước, mấy vụ đầu tiên gia đình ông hái nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 3-4 ngày, vụ mùa có thể kéo dài đến 2 tháng. Trung bình một cây trưởng thành cho khoảng 150kg/vụ, giá bán tại vựa dao động 10.000-20.000 đồng/kg.

Cách nhà ông Phước không xa, 3 cây hồng quân của bà Nguyễn Thị Tư bắt đầu chín khoảng một tuần nay. Do tuổi cao nên người phụ nữ quê núi Cấm giao cho người khác hái trái, mỗi cây bà được trả vài trăm nghìn đồng.

“Năm nay mưa nắng thất thường nên hồng quân cho trái hơi nhỏ và ít”, bà Tư vừa nói vừa hái một trái trên cây rồi vò nhẹ trên tay. “Trái này muốn ăn ngon phải vò kỹ, lúc đó nó có vị chua ngọt và không bị chát”, bà Tư cho biết thêm.

Hồng quân còn gọi là bồ quân, tên khoa học là Flacourtia jangomas, có nhiều ở các nước Đông Nam Á. Cây cao trung bình 5-8 mét, thân gai nhọn, lá nhỏ, bông trắng. Ngoài ăn tươi, loại quả được ví là “cherry của Việt Nam” có thể chấm với muối ớt, ngâm rượu… Theo y học dân gian, trái hồng quân ăn nhiều tốt cho gan mật, sạch khí huyết, còn thân và rễ hồng quân cũng có thể trị được nhiều bệnh.

Ngoài ra, đa số mỗi hộ dân sinh sống vùng Bảy núi đều trồng một vài cây như cách họ trồng sầu riêng, dâu da, bơ, măng cụt chen với nhau. Hết mùa dâu, người dân ở đây chuyển sang hái bơ, sầu riêng, hồng quân. Dần dà, những loại trái cây này trở thành đặc sản núi Cấm để bán cho du khách đi hành hương.

nguồn: 1thegioi.vn

Có thể bạn không muốn bỏ lỡ

Ngày hội Ẩm thực, Văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc tại Hà Nội

Ngày hội Ẩm thực, Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc  sẽ được tổ chức trong hai ngày 26-27/8/2023 tại phố đi bộ Trần Nhân

Bún bò Huế ‘thập toàn, ngũ đắc’

Bún bò Huế nhìn đơn giản nhưng ẩn chứa biết bao công phu của một nền văn hóa ẩm thực lâu đời. Bản sắc của

Trải nghiệm không gian ẩm thực sáng tạo lấy cảm hứng từ những cơn mưa mùa hạ ở TP.HCM

Với triết lý “Một món ăn không những cần ngon ở hương vị, đẹp trong cách trình bày mà còn nằm ở cảm xúc và

Thân thương hủ tiếu gõ

Buổi tối bạn nhắn tin gọn lỏn: “Hủ tiếu gõ nha!”. Trời mưa lất phất từ chiều. Những cơn mưa mùa này khó đoán. Có

Nấu ăn ngon ngày Tết cùng sách ẩm thực hay

Ngoài thực phẩm, nguyên liệu, sách nấu ăn với các công thức sẽ là người bạn đồng hành trong chuyện bếp núc, giúp mỗi người

Những món ngon ở làng Chăm – Tân Châu

 Ẩm thực không chỉ là một phần đặc sắc trong văn hóa đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở Châu Phong